Chưa đáp ứng nhu cầu
Là địa bàn phát triển công nghiệp, thu hút nhiều lao động nhập cư nên nhu cầu gửi trẻ của công nhân rất cao. Tuy nhiên, số lượng trường mầm non hiện có trên địa bàn huyện chưa đáp ứng nhu cầu này.
Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, các trường mầm non cần được mở rộng quy mô
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện - Lê Ngọc Khanh cho biết: “Năm học 2017-2018, Đức Hòa có 9.472 trẻ ra lớp, tăng 446 trẻ so với năm học 2016-2017. Hiện, còn gần 5.000 trẻ từ 0-5 tuổi chưa ra lớp. Bởi, toàn huyện chỉ có 33 trường mầm non công lập và tư thục nên chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu, chưa bảo đảm việc nhận, giữ và dạy trẻ với số lượng nhiều”.
Cũng theo ông Lê Ngọc Khanh, các trường mầm non công lập giải quyết 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, còn trẻ có độ tuổi 0-4 chỉ chiếm hơn 2%. Lượng trẻ còn lại phải chuyển qua các trường mầm non tư thục gồng gánh. Theo quy định, đối với trẻ 5 tuổi, sĩ số mỗi lớp là 35 trẻ; trẻ 4 tuổi thì mỗi lớp có 30 trẻ và 25 trẻ đối với nhóm 3 tuổi. Nhằm bảo đảm chất lượng GDMN, các trường công lập phải nhận trẻ đúng số lượng quy định này mặc dù nhu cầu của phụ huynh còn rất nhiều.
Nằm ở thị trấn Đức Hòa, một trong những nơi có nhiều lao động nhập cư nên nhu cầu gửi con của phụ huynh vào Trường Mầm non Măng Non (trường công lập) rất nhiều. Năm học 2017-2018, trường nhận 350 trẻ từ 3-5 tuổi, trong đó, trẻ 5 tuổi chiếm 52% với 182 em. So với năm học 2016-2017, số lượng trẻ ra lớp của trường giảm.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non - Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Mấy năm học trước, thấy nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh quá bức thiết nên trường nhận số lượng nhiều hơn. Nhưng năm học 2017-2018, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về sĩ số mỗi lớp đúng quy định nên trường không nhận nhiều trẻ”.
Hiện tại, Trường Mầm non Măng Non có 11 lớp, trung bình mỗi lớp từ 30-35 trẻ. Để bảo đảm chất lượng giáo dục, ngoài thực hiện đúng sĩ số học sinh/lớp theo quy định, nhà trường còn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm học.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm thông tin thêm: “Tùy vào độ tuổi, giáo viên có cách dạy phù hợp. Thông thường, chương trình học phân theo 5 bậc phát triển để dạy trẻ như phát triển về ngôn ngữ, thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ. Ngoài ra, trường cũng chú trọng việc an toàn cho trẻ khi đến lớp, nhất là các bữa ăn. Khi chế biến các bữa ăn trưa, ăn xế, trường chú trọng thực hiện an toàn thực phẩm".
Số lượng không nhiều lại phải bảo đảm chất lượng giáo dục nên các trường mầm non công lập không “đủ sức” đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Vì vậy, nhiều trẻ đến tuổi ra lớp phải chuyển sang các nhóm, lớp hoặc trường tư thục để học.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Giang - Nguyễn Thị Minh Giang cho biết: “Năm 2007, trường thành lập ở thị trấn Đức Hòa và nhận 190 trẻ từ 15 tháng đến 5 tuổi. Thấy nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh nhiều nên hiện tại, trường mở thêm 2 cơ sở tại thị trấn Hậu Nghĩa và xã Đức Hòa Đông. Năm học 2017-2018, toàn trường có hơn 600 trẻ theo học, trong đó chủ yếu là trẻ từ 15 tháng đến 4 tuổi”.
Các em trong giờ ăn trưa
Ở mỗi cơ sở, trường có gần 10 phòng học, mỗi phòng có sức chứa từ 30-40 trẻ. Các trẻ được chia lớp theo độ tuổi và có 2 giáo viên/lớp để giữ, dạy trẻ từ 6 giờ 30 phút - 17 giờ hàng ngày. Khi đến trường, các trẻ được ăn 3 bữa: Sáng, trưa, xế và học chương trình theo quy định như các trường mầm non công lập.
Chị Phạm Hoàng Yến, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, chia sẻ: “Ở trường, chương trình dạy trẻ được công khai hàng tuần để phụ huynh biết. Đó là những kỹ năng tự bảo vệ, hát, múa, kể chuyện và vận động,... Vì trường mầm non công lập chỉ nhận trẻ đủ số lượng nên tôi gửi con ở trường tư thục. Ở đây, giáo viên trông nom, dạy trẻ cũng chu đáo nên tôi an tâm”.
Theo ông Lê Ngọc Khanh, toàn huyện có 13 trường mầm non tư thục, trong đó, có 5 trường xây mới trong năm học 2017-2018. Các trường mầm non tuy góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, giảm tải cho trường công nhưng quy mô chưa lớn nên mỗi cơ sở chỉ nhận tối đa hơn 200 trẻ. Vì vậy, để giải quyết nỗi trăn trở về quá tải GDMN, quy mô trường, lớp phải tiếp tục được mở rộng và có đủ giáo viên để nhận giữ, dạy trẻ, nhất là ở những địa bàn phát triển công nghiệp, có nhiều lao động nhập cư. Từ nay đến năm 2020, huyện phải thực hiện xã hội hóa thêm 6 trường mầm non.
Để mở rộng quy mô trường mầm non, theo Kế hoạch số 5315/KH-UBND huyện Đức Hòa, ngày 09/8/2017 về “Triển khai thực hiện giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân tại các xã, thị trấn có khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020”, ngoài việc tạo quỹ đất sạch để xây dựng các trường mầm non, huyện còn thực hiện chế độ cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất với chi phí ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường mầm non.
Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và nhóm trẻ tư thục. Huyện sẽ tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập và tư thục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định, môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ thân thiện và an toàn.
Giải quyết được bài toán về quy mô trường, lớp và đội ngũ giáo viên là giải quyết được nỗi trăn trở GDMN ở huyện phát triển công nghiệp như Đức Hòa./.
Thùy Hương