Tiếng Việt | English

13/04/2021 - 15:29

Đừng bao giờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tư lợi cá nhân

Đó là yêu cầu mà Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út nêu lên tại hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ 2010 đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng của tỉnh diễn ra ngày 13/4.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra và phát hiện những vụ án tham nhũng với số tiền lớn, tính chất nổi cộm, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tham nhũng nhìn chung vẫn còn xảy ra ở các địa phương, lĩnh vực.

Ngoài việc thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị cũng có những vụ lợi dụng quyền hạn để tham nhũng. Có những vụ việc tham ô, tham nhũng với số tiền không phải lớn mà chỉ 1, 2 triệu nhưng cũng phải xử lý nghiêm. Việc bị xử lý do tham nhũng ảnh hưởng lớn đến danh dự, sự nghiệp của cá nhân vi phạm và để lại tiếng xấu cho địa phương, đơn vị. 

Vì vậy, những vụ tham nhũng xảy ra thời gian qua cũng cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTN và kiểm tra, giám sát PCTN có lúc, có nơi chưa được kịp thời, thường xuyên. Mặt khác, trong sắp xếp, bố trí xử lý cán bộ vi phạm có lúc chưa được nghiêm.

"Lưu ý các cấp, các ngành quan tâm việc bố trí sắp xếp cán bộ, tránh tình trạng sai chỗ này rồi chuyển đi chỗ khác nhưng lại tiếp tục vi phạm. Trong việc bố trí cán bộ phải kiên quyết không để xảy ra tình trạng có vi phạm ở nơi này nhưng điều chuyển đến vị trí khác với chức vụ còn cao hơn", Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, hiện nay công việc rất nhiều và nguồn nhân lực để làm việc rất quan trọng. Chúng ta đào tạo được cán bộ đã rất khó nhưng không cẩn thận phòng ngừa thì nguy cơ "mất cán bộ" rất dễ. Theo đó, các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng. Cấp trên phải là tấm gương sáng cho cấp dưới; cán bộ lớn tuổi phải luôn gương mẫu trong cuộc sống, công việc và quan tâm giúp đỡ, giáo dục cán bộ trẻ tiến bộ, phát triển.

Song song đó, các cấp, các ngành, nhất là Thanh tra cần xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ thanh, kiểm tra hàng năm, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng đến những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện xử lý khi có sai phạm là phải làm nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật để răn đe, nhất là đối với hành vi cố tình vi phạm, chứ không thể sơ sài. Tuy nhiên, biện pháp xử lý vi phạm là khi đã xảy ra sai phạm, còn cái quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát là để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những sai phạm, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để chấn chỉnh, giải quyết.

Theo đó, các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. "Đừng bao giờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để tham nhũng, tư lợi cá nhân", Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để PCTN hiệu quả cao, phải thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch. Từ các lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, dự án, tài chính, xây dựng cơ bản, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, thủ tục hành chính,...cần phải bảo đảm công khai, minh bạch, như thế sẽ hạn chế xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Ví dụ như trong lĩnh vực đất đất đai, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm để phát hiện sai phạm, nhất là tình trạng phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Nếu để hình thành các khu dân cư nhỏ, lẻ thì không thực hiện được kết nối hạ tầng. 

"Ở lĩnh vực đất đai, thời gian qua, chúng ta đã có những vi phạm cụ thể rồi, đây cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực và dẫn đến "mất cán bộ" nên phải được kiểm tra, giám sát chặt để ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ đầu, hạn chế những sai phạm lớn, nghiêm trọng. Hay như trong lĩnh vực giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thì đã có Trung tâm Phục vụ Hành chính công rồi. Như vậy, còn có hay không tình trạng phải ôm hồ sơ, thủ tục chạy đến sở này, ngành kia để nhờ giải quyết hay không thì cũng cần kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý", Chủ tịch UBND tỉnh nêu vấn đề.

Cùng với công tác thanh, kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu nêu cao vai trò của giám sát cộng đồng, của người dân. Đây là lực lượng, là kênh thông tin rất tin cậy và sát thực tế để giúp các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nắm bắt vấn đề và khắc phục những hạn chế, phát huy ưu điểm.

Lĩnh vực đất đai, dự án, xây dựng cơ bản cũng là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ

Trước đó, theo báo cáo của UBND tỉnh, từ 2010 đến 2020, qua công tác tự kiểm tra, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 12 vụ tham nhũng với tổng số tiền sai phạm hơn 5,3 tỉ đồng. Trong khi đó, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai và kết thúc 885 cuộc thanh tra KT - XH, phát hiện sai phạm với số tiền hơn 112,7 tỉ đồng, 39.203 USD và hơn 1.424ha đất; kiến nghị thu hồi và đã thu hồi số tiền hơn 51,1 tỉ đồng, 39.203 USD và gần 386ha đất.

Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 89 tập thể, 343 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 15 vụ. Ngoài ra, trong giai đoạn này, đã thụ lý 41 vụ tham nhũng, với 46 bị can; qua đó truy tố 37 vụ, 43 bị can; hiện đã xét xử 40 vụ, 47 bị cáo.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng góp phần phòng ngừa tham nhũng. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh có nhiều biện pháp tích cực phòng ngừa, hạn chế các điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt./.

Đức

Chia sẻ bài viết