Tiếng Việt | English

28/04/2024 - 09:18

Dưới đất trầm Côn Đảo

Ảnh minh họa

Tôi bước xuống xe điện. Chiều nghiêng bóng xế. Xoay mặt chín mươi độ, đầu hơi ngả về phía sau, anh tài xế nhìn tôi nhoẻn miệng cười - nụ cười của người thanh niên vùng biển rõ vẻ chân chất và thơm nồng vị nắng. “Cô vào thắp hương, tôi đợi cô dưới bóng cây kia, cứ thong thả, đừng mang theo túi nylon và chai nhựa” - anh xởi lởi, nhấn nhá mấy chữ cuối. Tôi gật đầu, gió xô mớ tóc mềm bất chợt. Tài xế đánh xe điện đi để lại mấy chữ cuối cùng văng vẳng. Tôi đứng ngẩn ngơ, tim đập liên hồi trong lồng ngực. Ngẩng mặt nhìn lên, mấy chữ in hoa, to rõ và trang nghiêm hiện ra dưới vòm trời xanh biển và dãy núi điệp trùng mờ nhòe trong mây bay đỉnh đầu phía xa làm phông nền: Nghĩa trang Hàng Dương. Một nỗi xúc động, bồi hồi dâng lên trong tôi.

*

“Đến cuối đời, thế nào tao cũng phải ra ngoài đó một chuyến". Đó là niềm mong ước của ông nội tôi. “Ngoài đó” mà ông nói là Côn Đảo - viên ngọc xanh nằm ngoài biển Đông, một vùng đất không chỉ đến để du lịch mà còn vì những điều khác nữa, xúc động và thiêng liêng hơn nhiều. Nhưng ra bằng cách nào, có đủ sức khỏe để ra đó hay không, vẫn là dấu chấm hỏi đối với ông. Bởi năm nay ông tôi đã ngoài bảy mươi tuổi rồi. Cái tuổi cộng với vết tích của một thời xông pha đạn lửa còn sót lại, nỗi đau thân xác gọi thức trong những ngày bấc về khiến ông nhức buốt. Tôi tâm niệm: Ông không đi được thì tôi sẽ thay ông. Người già, đôi khi không cần tự mình thực hiện những dự định của bản thân, chỉ cần có người làm thay, miễn là kịp lúc, họ cũng đủ ấm áp và thỏa lòng. Tôi nói ra Côn Đảo, ông mừng đến mếu máo. Mảnh đất của bao người nằm xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Chú quản trang nhìn tôi với ánh mắt đầy thiện cảm. Vẻ ngoài của chú khá giống ông nội tôi. Tóc bạc trắng, chú mặc chiếc áo của Bộ đội Cụ Hồ bạc màu, đầu đội mũ cối. Nắng rải nhẹ trên những lối đi trong nghĩa trang. Nắng xuyên qua hàng dương xanh ngút ngàn, thả những vệt mềm xuống bậc thềm dẫn tôi đến đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Một nén hương dâng cho người nằm xuống. Gió Hàng Dương thổi nhẹ, trong không gian thanh tĩnh không một âm thanh xao động tưởng như có thể nghe được tiếng sóng biển vọng lại từ xa, đêm ngày ngân nga ru giấc ngàn thu cho các anh hùng liệt sĩ. Tôi nghiêm nghị làm động tác chào trong quân ngũ. “Kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ, thế hệ chúng con hôm nay may mắn khi được sống trong hòa bình, được thừa hưởng những điều tốt đẹp. Chúng con không bao giờ quên sự hy sinh anh dũng của tiền nhân, mỗi tấc đất con đi, mỗi dặm biển con qua đều có máu xương của người nằm xuống,...”.

*

Cái vỗ vai của một người đứng ở phía sau khiến tôi giật mình. Ngoảnh lại, tôi thấy một cựu chiến binh. Ông nhìn vào mắt tôi, ánh nhìn vừa lửa nguội từ thời chinh chiến, vừa hiền lành, nhân hậu thẳm sâu. Tôi gật đầu chào ông, còn ông làm động tác chào trong quân ngũ như tôi vừa chào lúc nãy. Vài giây đầu tôi bị “khớp”, không biết ứng xử như thế nào, sau tôi cũng làm theo người cựu chiến binh, rồi hai ông cháu cười phá lên. Nụ cười ồm ồm như sóng thác của ông cũng giống với nụ cười của nội tôi mỗi lần cao hứng.

“Cháu có người quen yên nghỉ ở đây à?” - ông hỏi vậy.

Tôi lắc đầu: “Dạ, không ạ!”, rồi chợt nhận ra điều gì, tôi biện luận: “À, ông ơi! Tất cả những người yên nghỉ ở đây đều là người quen của cháu!”.

Người cựu chiến binh nhìn tôi và gật đầu, vẻ hài lòng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. “Cháu là một người trẻ hiểu chuyện. Thế hệ chúng tôi đã từng chiến đấu anh dũng, vào sinh ra tử, bất chấp nguy hiểm và tính mạng để có được Côn Đảo bình yên của ngày hôm nay. Và cả nước Việt Nam này, cháu ạ! Chúng tôi không mong cầu sẽ nhận lại điều gì, chỉ một chữ “người quen”, “người thân” của cháu cũng đủ để lòng vui sướng”.

Tôi lặng người đi. Chúng tôi sánh bước bên nhau, lặng lẽ rời khỏi đài tưởng niệm. Từ đây rẽ tay khu A là phần mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Vũ Văn Hiếu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; khu B là mộ của nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và hàng nghìn ngôi mộ khác (có tên và lạc danh). Thắp hương cho người nữ anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần bất khuất, gắn liền với loài hoa lêkima trắng xóa, chúng tôi đi sang những phần mộ bên cạnh để thắp hương tưởng niệm. Hai con người, hai thế hệ thập thững đi bên nhau trong âm vọng của hồn thiêng sông núi. Thi thoảng, tôi thấy người cựu chiến binh nhấp nháy cặp mắt rồi kéo ống tay áo lên thấm nước. Mắt tôi cũng rưng rưng.

“Ông nội cháu cũng từng là chiến sĩ cách mạng thời chống Mỹ. Một thời gian ông cháu bị giam cầm và tra tấn trong nhà tù trên mảnh đất này” - tôi buột miệng nói. Nhắc về ông tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy trong lòng dâng lên nỗi tự hào. Ngày nhỏ, tôi vẫn hay “vỗ ngực” khoe với đám bạn, mình có ông nội là chiến sĩ cách mạng, kiên cường lắm!

Người cựu chiến binh già nhìn tôi thật lâu, nén hương cuối cùng trên tay ông cắm xuống chiếc ly hương trên phần mộ cuối cùng của dãy mộ, nằm xa khuất dưới gốc dương già. “Ông nội cháu tên gì, có phải là một trong số những tù chính trị Côn Đảo trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi năm bảy lăm không?” - ông hỏi tôi. Tôi cảm nhận một niềm vui nào đó tỏa ra từ nơi ông, như thể ông sắp sửa gặp lại cố nhân. Tôi gật đầu. Qua lời kể của ông nội tôi những đêm tôi nằm co ro trên bộ ngựa ở gian trước, trong ánh đèn nhập nhoạng, ông từng là chiến sĩ bị bắt rồi đày ra Côn Đảo, từng hứng chịu mọi gian khổ, thăng trầm, để mong đợi một ngày đất nước toàn thắng, Côn Đảo được giải phóng, cờ đỏ sao vàng phấp phới và tấm ảnh Bác Hồ kính yêu được giơ cao dưới ánh sáng của vầng dương.

“Tên đầy đủ của ông nội cháu là Lê Văn X.” - tôi nghẹn ngào nói.

Bấy giờ, người cựu chiến binh đã nhìn thấy dòng nước mắt ướt đẫm trên gò má của tôi. Ông đưa bàn tay chai sần, nhiều vết sẹo lau đi giọt nước mắt trên mặt tôi. Run run. Hình như người cựu chiến binh già đã nhận ra ông nội tôi - đồng đội năm xưa của ông, người lính kiên cường, một lòng trung trinh với Tổ quốc, viết tiếp truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam.

“Đừng khóc, cháu ơi!” - ông khẽ nói - “Bác, ông X. và một số chiến sĩ anh dũng năm nào còn sống đến thời điểm này, chứng kiến được sự đổi thay của đất nước và một thế hệ kế thừa xứng đáng, là một điều may mắn. Bao đồng đội của bác và ông cháu đã nằm lại nơi này, trong nghĩa trang này, hồn của họ hóa vào hồn thiêng đất nước...”.

Tôi mím môi, nén chặt tiếng nấc trong lồng ngực. Trong nắng gió Hàng Dương, trong không khí linh thiêng, trong âm vọng kiêu hùng từ quá khứ, tôi thấy lòng vừa xót xa, vừa tự hào. Một cảm giác lạ lắm, có lẽ tôi đã cảm nhận được hồn thiêng núi sông, hào khí của Tổ quốc trên mảnh đất Côn Đảo đầy dấu tích lịch sử này. Tôi đi bên người cựu chiến binh, nắm bàn tay đầy sẹo của ông và bước những bước nhẹ hẫng trên con đường liêu xiêu nắng chiều Côn Đảo. Bên tai tôi vẳng nghe câu thơ ông nội đọc những buổi chiều ngồi một mình ngoài thềm ba, chiếc bóng đổ dài trước vuông sân lát gạch tàu đã phai màu vì mưa nắng: “Côn Lôn đi dễ, khó về - Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo”. Tôi biết ông đang nhớ lại một thời chiến tranh đau thương mà hào hùng, xót xa mà huy hoàng.

*

Tôi chào người cựu chiến binh bằng động tác trong quân ngũ, trước khi ông lên chiếc xe Dream về lại thị trấn Côn Đảo, tiếp tục chuyến hành trình của riêng mình: Chuyến trở về ký ức.

Những vết thương năm xưa vẫn còn. Tổ quốc giờ đây thanh bình, đất nước từng ngày phát triển. Hòa bình hôm nay là một dọc dài năm tháng đấu tranh bằng những mộ phần của người ngã xuống tạc vào hình ảnh núi sông.

Nắng Hàng Dương thoang thoảng mùi hương kỳ lạ, thơm nồng, nắng trải lối tôi đi. Có cảm giác như ánh nắng đó không phải được tỏa ra từ vầng mặt trời đang từ từ đổ bóng, nghiêng nghiêng phía chiều mà là ánh sáng từ vầng dương trong ngục tối năm nào, ánh sáng linh thiêng, ánh sáng di dưỡng đất mẹ Việt Nam không ngừng lớn lên qua từng năm tháng.

Tôi đứng lặng trước Nghĩa trang Hàng Dương. Người quản trang già mỉm cười chào tôi, cũng bằng động tác quen thuộc trong quân ngũ.

Hàng Dương lùi lại sau lưng. Anh tài xế xe điện đưa tôi về phía cung đường ven biển xanh nhấp nhô với những tiếng cười nói xôn xao không ngớt trên bờ biển.

Ông nội, con đã làm tròn giấc mơ của ông! Ngoài mong đợi, ông ạ! - tôi khe khẽ nói một mình, nhưng chắc rằng ông sẽ cảm nhận được./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích