Tiếng Việt | English

03/02/2018 - 01:55

Đường Vành đai Tân An vẫn “giậm chân tại chỗ”

Dự án (DA) đường Vành đai TP.Tân An, tỉnh Long An (gồm cả cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây) là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Thế nhưng đến nay, công trình này vẫn “giậm chân tại chỗ” do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Động lực phát triển đô thị

Theo UBND TP.Tân An, DA góp phần rất lớn trong việc phát triển KT-XH địa phương. Dự kiến, đường Vành đai sau khi hoàn thành sẽ giảm bớt áp lực trên các tuyến: Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP.Tân An và trục đường Hùng Vương, chuyển hướng lưu thông vận tải ra các vùng ven ngoại thành. Từ đó, góp phần giảm thiểu tai nạn, hạn chế ùn tắc giao thông xảy ra vào các dịp lễ, tết; tạo trục giao thông liên hoàn thông suốt nối liền các khu đô thị trung tâm thành phố với khu đô thị phía Bắc và phía Nam. Hơn nữa, công trình này hoàn thành sẽ giúp chính quyền quản lý tốt về cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch xây dựng,... góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, sớm đưa thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2020.

Dự án đường Vành đai TP.Tân An đi qua xã Lợi Bình Nhơn

Dự án đường Vành đai TP.Tân An đi qua xã Lợi Bình Nhơn

Ông Hồ Văn Hy, ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, nói: “Tôi và người dân rất đồng tình và thường xuyên quan tâm, theo dõi tiến độ thực hiện đường Vành đai vì khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới cho TP.Tân An, kết nối giao thương giữa các địa phương lân cận”.

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm thông tin, theo quy hoạch, đường Vành đai đi qua địa bàn xã có chiều dài 3,2km, ảnh hưởng đến 240 hộ dân. Đây là tuyến đường văn minh đô thị của thành phố, đáp ứng kỳ vọng của người dân. Địa phương hy vọng công trình sớm được triển khai.

Không đồng tình giải tỏa thêm 20m

DA đường Vành đai TP.Tân An có chiều dài hơn 23km, rộng 33m (bao gồm mặt đường và hành lang), điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833, TP.Tân An. DA này đi qua xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa); các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung, các phường: Khánh Hậu, Tân Khánh, phường 7, phường 5 (TP.Tân An).

Đến nay, DA mới thực hiện được đo đạc, cắm mốc ranh giới, kê biên. Đối với đơn giá bồi thường, hỗ trợ, UBND TP.Tân An và UBND huyện Thủ Thừa gửi đến các ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, chuẩn bị công bố công khai cho người dân.

Trong giai đoạn đầu, DA gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Ông Dương Nghĩa Diện, ngụ ấp Bình An A, xã Lợi Bình Nhơn, bức xúc: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương quy hoạch đường Vành đai nhưng chỉ đồng ý giải tỏa phần đất nằm trong 33m. Chúng tôi không chấp nhận giải tỏa thêm 20m hai bên đường. Chúng tôi thắc mắc, liệu có phải giải tỏa thêm 20m để phân lô, phân nền bán cho doanh nghiệp hay không? Hơn nữa, việc kiểm đếm, đo đạc không chính xác nên chúng tôi không hài lòng. Trong những lần tiếp xúc cử tri, tôi đại diện các hộ dân nhiều lần nêu ý kiến, sau đó lãnh đạo thành phố trực tiếp đối thoại với chúng tôi, giải đáp phần nào thắc mắc. Tôi mong, DA được thực hiện một cách công khai, minh bạch, rõ ràng”.

Bà Nguyễn Thị Út cùng một số hộ dân ngụ ấp 4 và ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, cho rằng: “Chúng tôi ủng hộ DA làm đường nhưng chỉ đồng ý giải tỏa, bàn giao phần đất nằm trong 33m, không chấp nhận giải tỏa thêm 20m ở mỗi bên đường để làm phân khu chức năng. Không có lý do gì mà lãnh đạo thành phố giải tỏa nhà cửa, mồ mả thêm 20m chỉ để tập kết vật tư, máy móc thi công, còn sau này để xây dựng trường học, bệnh viện,...”.

Chủ tịch UBND xã Bình Tâm - Lê Phú Huyền nhận định, trước những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng thi công đường Vành đai qua địa bàn xã, địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng những hộ này chưa chấp thuận. UBND xã chuẩn bị những việc cần thiết để sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với những hộ dân này.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tân An - Đoàn Thị Ngọc Thảo, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, giá đất luôn biến động, một số hộ không hợp tác nên việc giải phóng mặt bằng khó khăn, nhất là những hộ dân thuộc xã Bình Tâm.

“Không có chuyện phân lô xẻ nền”

Chủ tịch UBND thành phố - Lê Công Đỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri, hộ dân các xã, phường thuộc diện giải tỏa DA đường Vành đai đề nghị UBND thành phố thông tin cụ thể bằng văn bản việc thu hồi thêm phần đất mỗi bên 20m để xây dựng phân khu chức năng.

Theo ông Đỉnh, DA này gồm 5 DA thành phần, trong đó DA thành phần 4 thuộc nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Các DA thành phần còn lại thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Việc giải phóng mặt bằng, thu hồi phần đất 20m hai bên đường Vành đai nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển các phân khu chức năng: Thương mại, dịch vụ, dân cư tập trung, cụm công nghiệp,... theo đúng đồ án quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, giao phân khu chức năng đối ứng cho các nhà đầu tư để đầu tư, thu hồi vốn đầu tư đường Vành đai. Nhà đầu tư không được phân lô bán nền dọc theo đường Vành đai thành phố. Hơn nữa, theo quy hoạch đất đai, xây dựng của thành phố cũng như quy hoạch phân khu, sẽ không có dân cư riêng lẻ dọc 2 bên đường Vành đai.

Với những hộ dân trong vùng DA, UBND thành phố cam kết bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng đúng quy định của pháp luật khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng 20m. Cụ thể, những hộ này được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, được hỗ trợ TĐC tại các vị trí phù hợp nếu đủ điều kiện TĐC theo quy định.

Ông Đỉnh cho biết thêm, dự kiến giải ngân, bồi thường giải phóng mặt bằng phần 73m (đường Vành đai 33m và 20m ở mỗi  bên) toàn tuyến trong năm 2018. Trước mắt, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện và sẽ bồi thường các đoạn được sự đồng thuận cao của người dân để có thể khởi công công trình sớm nhất. Riêng một số hộ dân trong diện giải tỏa DA đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất có yêu cầu bố trí TĐC, tạo điều kiện mua nền để ổn định cuộc sống, UBND thành phố sẽ xem xét.

Sắp tới, UBND thành phố tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân còn lại đồng thuận chủ trương thực hiện các phân khu chức năng; phối hợp các đơn vị liên quan, địa phương tìm địa chỉ các hộ không có ở địa phương; khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến DA. Đồng thời, tập trung thực hiện kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất của các hộ còn lại; niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC; công bố dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC 2 khu TĐC số 1 phường Khánh Hậu, xã An Vĩnh Ngãi. Khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu gói thầu: Xây dựng đường Vành đai DA mở rộng đô thị Việt Nam - tiểu DA TP.Tân An,...

Dự án đường Vành đai Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây được chia thành 5 dự án thành phần để thực hiện, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỉ đồng, có 1.555 hộ bị ảnh hưởng. Hiện tại, thành phố kiểm đếm xong 1.488 hộ; còn lại 67 hộ chưa kiểm đếm, trong đó có 16 hộ không hợp tác (6 hộ xã An Vĩnh Ngãi, 1 hộ phường 7, 9 hộ xã Bình Tâm). Số hộ được bố trí tái định cư 272 hộ; ở xa không liên lạc được 51 hộ; cho kiểm đếm phần 33m nhưng không cho kiểm đếm phần 20m 94 hộ; gửi đơn không đồng ý giải tỏa phần 20m 205 hộ.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết