Tiếng Việt | English

05/08/2018 - 09:57

Đường về...

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

Đoạn đường về hôm nay dường như dài hơn mọi khi, chiếc xe máy cũ xì của tôi vẫn luồn lách qua những con ngõ nhỏ quen thuộc với hàng quán liêu xiêu, với ánh đèn đường hiu hắt. Lâu lâu, ông già phía sau tôi lại thở dài. Đột nhiên, ông già khều vai tôi hỏi:

- Chú mày vào nghề bao lâu rồi?

- Dạ, năm năm rồi chú ơi!

- Mới đó mà nhanh quá he. Ngày nào còn thấy mày khệ nệ máy móc, giấy tờ, cái mặt non choẹt. Vậy mà giờ nhìn mày y như ông già, tóc tai bù xù, luộm thuộm thì con nào dám yêu.

Tôi cười không đáp. Sau xe, ông già vẫn ngó nghiêng với con đường về quen thuộc. Từ chuyến công tác xa về, đây là lần đầu tiên tôi chở ông già về. Xe dừng lại trước cổng, ông già biểu tôi vào nhà. Căn nhà nằm sâu trong con hẻm tối với những mái nhà thấp lè tè mà mỗi lần bước vào nhà, tôi phải khom người mới vào được. Nhớ lại lần đầu đến nhà ông, tôi choáng ngợp với sách là sách. Những cuốn sách dày cộm, có cả những cuốn sách kinh điển mà tôi thích. Ông già quý sách hơn quý bạn. Có bận ông bảo, sách không biết nói dối, con người thì... hên xui. Chiếc ghế đẩu ông già đọc sách được đặt gần khung cửa sổ với vài chậu cây xương rồng gai chi chít. Mỗi lần bước vào nhà ông già, tôi đều có cảm giác bình yên đến lạ. Ông kéo ghế ngồi, nhìn mông lung, nói:

- Mày làm gì đứng thừ người ra vậy? Bộ mới đến lần đầu hả?

Tôi cười về cái cách nói chuyện cà rỡn của ông. Ván cờ được sắp sẵn. Cuộc cờ nào tôi với ông già cũng đầy ắp những lặng thinh. Tuyệt nhiên ông chẳng bao giờ nói chuyện trong lúc chơi cờ, từng nước cờ chậm rãi, từ tốn và có phần lạnh lùng. Ở cơ quan, ông già được mệnh danh là “kỳ quặc” và những người chơi với ông cũng là người không... bình thường, như tôi chẳng hạn. Ông già hỏi tôi:

- Sao chú mày làm nhà báo?

Câu hỏi của ông già làm tôi ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy ông nói chuyện trong lúc chơi cờ.

- Dạ, tại người yêu con học nghề báo nên con học cùng.

- Cái thằng dại gái!

- Vậy sao ông vào nghề báo?

Ông già dừng cuộc cờ, đưa tay chỉnh lại cái kính, nheo mắt nhìn về phía xa. Câu chuyện của ông cứ đưa tôi qua những tháng năm rộng dài dâu bể.

- Hồi đó, chiến tranh ác liệt. Tao cũng giống như bao thanh niên trong làng xung phong ra chiến trường. Chỉ khác người ta cầm súng, còn tao cầm máy ảnh, cầm bút. Tác nghiệp trên chiến trường, chứng kiến biết bao lần sinh ly tử biệt, có những khoảnh khắc mãi mãi trong cuộc đời này tao không bao giờ được nhìn lại lần thứ hai...

Ngồi cạnh ông già, nghe ông kể về những tháng ngày ác liệt, về giây phút cuối cùng nắm tay đồng đội mình, rồi lại gạt nước mắt lên đường ghi lại những khoảnh khắc có một không hai. Hỏi ông già, bức ảnh nào làm ông ám ảnh nhất? Ông già trả lời gọn đeo:

- Bức ảnh chụp đám cưới của đồng chí Minh và cô giao liên vùng căn cứ U Minh.

Bức ảnh tôi chưa từng một lần được nhìn thấy, bức ảnh được chụp vội trước ngày chú Minh rời đơn vị và để lại cô vợ mới cưới. Để lần cuối cùng ông già quay lại đơn vị cũ, ông đặt tấm hình cưới ngày nào lên bàn thờ của họ. Nụ cười của họ trong veo, cái nắm tay chờ nhau ngày nào mãi mãi bình yên theo tháng năm dài thương nhớ. Tôi thấy khóe mắt ông già đỏ hoe. Hôm phóng sự về lại chiến trường xưa của ông đoạt giải báo chí quốc gia, cả cơ quan ăn mừng thì ông già lại lặng lẽ trở về nhà, tựa lưng vào ghế, nhìn về phía rừng già xa ngái. Hỏi ông già không vui sao. Ông cười.

- Tao làm không phải để dự thi. Tao làm vì đồng đội tao.

Đi cùng ông suốt dọc đường về lại chiến trường xưa, dường như mỗi ngọn cỏ đều thân thuộc, lắm lúc tôi thấy ông đứng thẫn thờ trước một góc đường không tên, cúi người xuống giữa ánh chiều chạng vạng. Từng bước đi chậm rãi của ông già làm tôi xốn xang, cứ như bước vội thêm một chút nữa, ký ức của ông sẽ bị hao hụt đi phần nào. Ông kể cho tôi về những đêm ngủ giữa rừng, về những bức ảnh của đồng đội mình, về những kỷ vật ông nâng niu như
máu thịt của mình, về những bức thư dặm dài nhung nhớ… Theo cùng ông già suốt quãng đường đi, tôi như thấy mình đi qua thời tuổi trẻ cùng ông. Có những bức ảnh ông già mãi mãi chẳng biết nhân vật của mình tên gì, chẳng biết sau mỗi cái bấm máy điều gì sẽ chờ đợi ông già phía trước. Hỏi ông già sợ điều gì nhất. Ông già không trả lời sợ chết như tôi nghĩ. Ông bảo, ông sợ nhìn lại hình cũ, sợ thấy lại đôi mắt ngân ngấn nước của đồng đội, sợ nhớ lại khoảnh khắc ông bấm máy dưới làn mưa bom rồi giây phút ấy, đồng đội ngã xuống ngay trước mặt mình, sợ những đêm dài thao thức nhớ nhà…

Ván cờ dang dở. Ông già mở tủ lấy ra chiếc hộp bám đầy bụi, đưa tôi xem những bài báo đầu tiên của mình, những bức ảnh trắng đen vàng úa theo thời gian, những cánh thư thời máu lửa. Cả đời ông gắn với nghề báo với những con đường, những mảnh đời và với những cô đơn của một người sống bằng hồi ức. Ông già vỗ vai và đưa cho tôi chiếc hộp.

- Mày giữ lấy. Trong đó có chìa khóa nhà. Chừng nào mày muốn lại đọc sách hay đánh cờ thì lại.

Tôi ngước mặt nhìn ông, chiếc chìa khóa trên tay tôi là cả một chân trời mà tôi đi hoài không hết…

Ngày mai, tôi sẽ không còn thấy ông già ngồi trước cái bàn quen thuộc, không được thấy cái dáng người nhỏ thó leo lên cầu thang, không còn được nghe ông khề khà những câu chuyện không đầu không cuối. Ngày mai, ông già nghỉ hưu. Tôi sẽ phải mất bao lâu để quen dần với việc thiếu ông vào mỗi buổi sáng. Không biết tự lúc nào, tôi coi ông già là một phần trong cuộc đời của mình, ông dạy tôi về cách sống, đạo đức nghề nghiệp, chỉ cho tôi biết những chỗ còn vụng về. Bài báo đầu tiên tôi bước lên nhận giải, ông già rơm rớm nước mắt.

Chào tạm biệt ông già, tôi trở về trên con đường bạt ngàn gió, từng cơn gió mùa cứ vít vào từng thớ thịt với ánh đèn đường chao chát. Tôi biết mình vừa bỏ lại phía sau một ân tình trọn vẹn. Mở chiếc hộp của ông già, những kỷ vật nằm im mà tôi xài cả đời không hết… ./.

Nguyên Khối

Chia sẻ bài viết