Ở Nam kỳ, vào thế kỷ XVII, XVIII, cọp nhiều vô kể. Sách Gia Định thành thông chí, quyển địa lý đầu tiên của Nam kỳ ra đời thời Minh Mạng, đã ghi nhận: “Xứ này nhiều cá sấu và cọp dữ”. Trịnh Hoài Đức nêu không phải nơi núi cao rừng rậm mà ngay tại Sài Gòn thời ấy đã thành phố thị: “Vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường về Chợ Lớn, gây kinh hoàng cho dân chúng”.
Cọp ngồi trong đình làng, có mặt khắp mọi nhà
Ngày nay, cọp in dấu tại nhiều địa danh: Đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang), cù lao ông Hổ (Long Xuyên, An Giang),...
Cọp định hình sâu đậm trong tâm linh người Việt khẩn hoang, chiếm địa vị quan trọng trong ngôi đình làng. Theo cấu trúc chung, trước sân đình phải có bình phong khắc họa hình cọp thờ Sơn thần (Sơn Quân Chi Thần). Nhiều ngôi miếu hay lăng tẩm của các quan chức cũng có cấu trúc tương tự. Đặc biệt, có nơi như ở đình Châu Phú (An Giang) còn có miếu thờ.
Tục truyền, một số nơi có lệ dành cho cọp làm Hương Cả (chức vị cao nhất đứng đầu 12 vị Hương chức: Cả, Chủ, Hào, Thân, Quản, Giáo, Bộ,...) của làng.
Theo lời truyền thì vào cuối thế kỷ XIX, làng Hòa Tú, Sóc Trăng đã hoàn thành khẩn hoang lập làng, dựng chùa, lập miễu thờ Thành Hoàng. Ông Hương Cả đầu tiên chỉ tại chức được vài ba tháng thì trong nhà xảy ra nhiều tai họa, bản thân ông lâm bệnh rồi chết. Người kế vị cũng chỉ tại chức trong thời gian ngắn rồi lâm nạn và qua đời. Ông Hương Cả thứ ba cũng yểu tử, không còn ai dám nhận chức này.
Trước đây, vùng này có nhiều cọp, sau khi khẩn hoang chỉ còn lại con cọp ba chân. Các vị lão làng quyết định cử... ông cọp ba chân vào chức Hương Cả, xây miếu nhỏ thờ. Từ ngày ông Hổ nhậm chức Hương Cả, mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên ổn.
Một tập quán khác ở Nam kỳ là không ai gọi con đầu lòng là con cả dù trai hay gái. Người con đầu luôn đặt là thứ hai. Nhiều người giải thích đó là do kiêng húy chức ông Cả Cọp. Các thế hệ trước còn kỵ húy không dám gọi thẳng tên cọp mà nói là “ông Ba Mươi”.
Đặc biệt vùng Thất Sơn, U Minh là những vùng đất khai phá sau cùng ở Nam kỳ không chỉ lưu giữ truyền thuyết mà còn có các chùa, đình liên quan đến cọp và những người chinh phục cọp.
Người trị bệnh cho cọp
Nhà “Thất sơn học” Nguyễn Văn Hầu trong tác phẩm Nửa tháng trong miền Thất Sơn và Thất Sơn Mầu Nhiệm đã kể chuyện ông Tăng Chủ, còn gọi là Bùi Thiền sư, một trong 12 vị đại đệ tử Phật thầy Tây An chuyên hàng phục cọp dữ, trị bệnh cứu người, giúp người dân khai hoang định cư lập trại ruộng Thới Sơn, Tịnh Biên ngày nay.
Tranh minh họa ông Tăng Chủ thu phục cọp
“Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thong (mác có cán dài) trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng thì ông Tăng đấm lẹ vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đá nặng đòn. Cọp rống lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới vực nó dậy, miệng lẩm bẩm:
- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng, đừng tới đây nữa mà mất mạng!
Cọp gằm mặt xuống đất, kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không dám bén mảng đến xóm nữa”.
Nguyễn Văn Hầu kể mẩu chuyện khác, ông Tăng Chủ trị bệnh cho cọp: “Ở tại đình Thới Sơn, một hôm, ông Tăng đi thăm ruộng về gặp một con cọp nằm lù lù bên mé đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy há miệng, quào cổ rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm.
Ông Tăng hiểu ý nó, bảo:
- Mắc xương rồi đó chớ gì! Sao không tới đây sớm, tao cứu cho mà để đến nỗi ốm o quá vậy? Thôi, nếu quả mắc xương thì ngay cổ ra.
Cọp riu ríu vâng lời. Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một thỏi xương lớn.
Vài hôm sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng vừa vật chết để đền ơn cứu mạng”.
Đình Thới Sơn ban đầu được xây cất bằng cây rừng, mái tranh, vách lá, nền đất. Gần đây, đình được trùng tu khang trang. Đó là kiến trúc vật chất cụ thể ghi dấu ấn việc hàng phục cọp của ông Tăng Chủ cũng như vai trò của Phật thầy Tây An và các đại đệ tử tạo ra điểm tựa tâm linh
cho người dân bấy giờ có sức mạnh, niềm tin chinh phục thiên nhiên.
Một địa danh và kiến trúc khác lưu dấu huyền thoại cọp là cù lao Ông Hổ nay thuộc TP.Long Xuyên. Trên cù lao có ngôi Bửu Long cổ tự trên 200 năm tuổi. Khuôn viên chùa có ngôi mộ cọp mang huyền tích cọp đã gần 300 năm...
Nuôi, dạy cọp tu hành
Dân gian truyền tụng, xưa kia có hai vợ chồng làm nghề chài lưới trên sông Hậu. Một dịp tình cờ, họ cứu được một chú cọp con sắp chết đuối. Cọp được mang về nuôi, chăm sóc như con. Sau khi hai vợ chồng chết, cọp bỏ vào rừng sinh sống. Mỗi năm ngày giỗ, nó lại mang về một con heo rừng tế lễ cha mẹ nuôi.
Toàn cảnh núi Cấm
Hiện nay, trên vồ (đồi thấp) Thiên Tuế thuộc núi Cấm (Thiên Cấm sơn) có những địa danh và kiến trúc gắn liền với huyền tích cọp. Theo Nguyễn Văn Hầu, ngày trước, cụ Cử Đa (1 trong 12 đại đệ tử của Phật thầy Tây An) dùng vồ Thiên Tuế làm sân dạy võ cho các đồ đệ là nghĩa binh chống Pháp. Cụ Cử Đa đã tu đắc đạo, thu phục được hổ mun tại núi Bà Đội. Hổ mun này lại là đối thủ của bạch hổ hiện được thờ tại điện Bạch Hổ.
Chuyện kể ngày xưa, trên núi Cấm có ông Đạo Điện tu lâu năm có tài bùa ngải. Khi ông Đạo Điện lập am đã cứu sống và thu phục con bạch hổ từng gây hại dân lành. Sau mười mấy năm tu hành theo ông Đạo, con bạch hổ đã mất hết thú tính. Nhưng những oan hồn bị hổ trắng giết hại không được siêu thoát, vẫn giữ thù cũ.
Một ngày nọ, bên ngoài am xuất hiện hàng chục người lạ từ bên kia biên giới sang, lăm lăm vũ khí đe dọa nếu ông không giao bạch hổ cho họ, họ sẽ giết cả ông. Ông Đạo Điện khuyên giải đạo lý, họ cầm dao lao vào đâm ông Đạo Điện bị thương tích nhưng không phản ứng. Bạch Hổ vụt xuất hiện tấn công đám người lạ, giải nguy cho ông Đạo. Chúng ào tới, kẻ chém, người bắn tên độc vào mình bạch hổ. Con thú bị thương trở nên hung dữ giơ cao móng vuốt vồ tới tấp đám người lạ làm chúng bỏ chạy. Nhưng con thú cũng đã bị thương nặng vì tên độc và chết ngay sau đó.
Ông Đạo Điện đã lập bàn thờ Bạch Hổ và cúng vong cầu nguyện cho các vong linh chết oan siêu thoát. Khi ông Đạo Điện viên tịch thì đệ tử tiếp tục thờ cúng bạch hổ. Cũng từ đó, nơi đây sống yên bình, không thú dữ quấy phá. Người dân đã lập điện thờ Bạch Hổ trong một khe đá ở vồ Thiên Tuế cho tới ngày nay và câu chuyện lưu truyền thêm thắt với nhiều dị bản ly kỳ.
Hối hận tàn phá môi trường
Qua những mẩu chuyện đã nêu, trong cách nghĩ của lưu dân Việt, cọp tuy mạnh, dữ nhưng cũng có thể thuần hóa và trở thành trung hậu, thậm chí sẵn sàng hy sinh cứu chủ. Cọp có thể phù trợ con người và trở thành nhân vật trong làng xã, thành viên trong gia đình. Cách khuất phục cọp của người Việt không phải bằng sức mạnh hàng long phục hổ như người Hoa mà chừng như bằng tình thương và đạo lý.
Nhà văn Sơn Nam trong bài Đánh cọp Gò Quao đã đặt câu hỏi: “Cọp U Minh, cọp Gò Quao ngày nay bị tiêu diệt hoặc bị xua về bên kia biên giới Cao Miên, phải chăng là nhờ các thầy võ Quảng Ngãi, Bình Định hoặc các thầy Xiêm có bùa phép?”.
Chính ông trả lời bằng câu chuyện khuất phục con cọp mun ở Gò Quao cũng với mô típ tương tự. Sau trận đấu sức, người và con mun phân định ranh giới, sống chung hòa bình. Nhưng rồi mun có đôi, sinh đến 4 con, tình thế mất cân bằng. Người ta cân nhắc, không tiêu diệt mà bắt bớt 3 cọp con nộp cho quan Tây và cầu cúng thân thiện. Đôi vợ chồng cọp và đứa con còn lại không báo thù mà rời đi sang bên kia biên giới.
Thật ra đằng sau những huyền thoại ấy, những người khẩn hoang có dùng hầm bẫy, thuốc độc, võ nghệ trong cuộc chiến đấu sinh tồn với cọp. Nhưng sức mạnh ghê gớm nhất là họ đã thay đổi môi trường, phá rừng làm cọp không còn nơi sinh sống. Những câu chuyện thân thiện, nuôi dưỡng, trị bệnh cho cọp, thậm chí cầu cúng là một đạo lý nghĩa tình, sự hối lỗi với tạo hóa, đất trời./.
Lê Đại Anh Kiệt