Tiếng Việt | English

08/04/2022 - 21:31

"Giám sát phản biện xã hội có vị trí, vai trò rất quan trọng"

Làm tốt giám sát phản biện xã hội không những thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội mà còn thể hiện sự đóng góp vào dân chủ xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh.

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì họp Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế 217 về giám sát và phản biện xã hội đến nay đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai một số nơi nhận thức còn chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, phản biện xã hội; một số nơi còn có hiện tượng "xin - cho" "phê duyệt" kế hoạch giám sát, phản biện mới được tổ chức thực hiện; nhiều nơi chưa tổ chức được hội nghị phản biện xã hội nhất là cấp xã; cơ sở vật chất và các nguồn lực phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng, nhất là về kinh phí và nguồn nhân lực.

Việc tiếp thu, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện của cấp ủy đảng và chính quyền có nơi, có lúc chưa được quan tâm, chú trọng… Do vậy, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, các cấp ủy Đảng cần hết sức coi trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và không ngừng đổi mới nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội.

"Giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Làm tốt công tác này không những thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội mà còn thể hiện sự đóng góp vào dân chủ xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh” - ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng Đề án trình Ban Bí thư xây dựng Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là cần thiết. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đồng thời kiến nghị nghiên cứu thể chế nội dung mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “dân giám sát, dân thụ hưởng” vào hoạt động giám sát nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức xã hội tham gia giám sát; có cơ chế để người dân có thể tham gia hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội./.

Lại Hoa/VOV

Chia sẻ bài viết