Tiếng Việt | English

19/03/2024 - 08:37

Giới thiệu những điểm mới của Luật Nhà ở năm 2023

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (sau đây gọi là Luật Nhà ở năm 2023) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023, thay thế Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15.

Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở năm 2023 tại Kỳ họp thứ 6 vào sáng ngày 27/11/2023

Luật gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Luật Nhà ở năm 2023 quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam, trừ giao dịch mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Luật có những điểm mới trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Luật Nhà ở năm 2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, cụ thể:

- Bỏ quy định về kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm cấp tỉnh và việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng khi xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; lược bỏ những nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp;

- Bãi bỏ quy định về công nhận chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư; bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng. Đồng thời, tiêu chí về thu nhập cũng không quy định cứng trong Luật mà do Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH cũng như khả năng nguồn cung nhà ở xã hội trong từng thời kỳ;

- Bổ sung quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở và giao Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên cơ sở quy định của Luật Nhà ở và các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,... Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần căn cứ vào quy định của Nghị định này là thực hiện được trình tự, thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở do Nghị định đã tích hợp và quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp với Luật Nhà ở và các luật có liên quan. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm linh hoạt hơn so với quy định cứng trong Luật Nhà ở, trường hợp các luật có thay đổi thì Chính phủ sửa đổi nghị định cho phù hợp.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển.

- Đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình, diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại đô thị loại I, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.

- Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê.

Thứ ba, tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an toàn tính mạng, tài sản của người dân

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57) theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư xây dựng, trách nhiệm của chính quyền địa phương kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng theo kiểu chung cư mini tồn tại trước ngày Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, Luật mới quy định chuyển tiếp tại Điều 198 để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân; đồng thời, xử lý nghiêm minh, không hợp thức hóa các sai phạm trong phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua. 

Thứ tư, cải tiến, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi với các nội dung cụ thể, minh bạch, dễ thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở, trong đó trọng tâm là dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự án xây dựng nhà ở xã hội

- Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, ban hành cơ chế, chính sách đột phá và phân cấp triệt để cho các địa phương để đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, công trình hết niên hạn sử dụng”, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, luật hóa các quy định đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cũ. Theo đó, Luật đã bổ sung quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư; bổ sung quy định về di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, trình tự, thủ tục di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư; quy định việc chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư đối với các nhà chung cư được xây dựng sau năm 1994 để bảo đảm tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu nhà chung cư, Nhà nước và nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị; quy định cơ chế ưu đãi, thu hút chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư,...

- Về nhà ở xã hội: Luật Nhà ở năm 2023 đã kế thừa những ưu đãi của Luật hiện hành đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, cụ thể như bổ sung quy định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với: Dự án xây dựng nhà ở xã hội (điểm a, khoản 2 Điều 85); dự án xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 107); chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại (đất hoặc sàn) và hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích này, hưởng nhiều ưu đãi khác về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn với lãi suất ưu đãi,… Luật cũng sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; đồng thời, quy định về trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nhưng linh hoạt về phương thức thực hiện, tiếp tục phát huy trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Luật Nhà ở năm 2023 bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, qua đó, bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động, thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, Luật Nhà ở sửa đổi năm 2023 đã mở rộng 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ờ xã hội, đó là học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.

Thứ năm, bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các tranh chấp, khiếu kiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư

Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục các tranh chấp khiếu kiện giữa chủ đầu tư và các hộ dân sống trong chung cư về phần diện tích chung, diện tích riêng, kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quyền, nghĩa vụ của Ban Quản trị nhà chung cư, cụ thể như sau:

- Bổ sung quy định về xác định phần sở hữu chung, sở hữu riêng nhà chung cư nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà ở; yêu cầu các nội dung này phải được xác định trong hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hoặc diện tích khác trong nhà chung cư; trường hợp hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hoặc diện tích khác trong nhà chung cư không ghi rõ thì phần sở hữu chung, sở hữu riêng được xác định theo quy định của Luật nhằm bảo đảm chặt chẽ, thuận lợi trong giải quyết tranh chấp (khoản 3 Điều 140).

- Bổ sung quy định cách xác định phần sở hữu chung đối với thiết bị, cấu kiện gắn liền với ban công, lô gia, bao gồm cách xác định phần sở hữu chung đối với thiết bị, cấu kiện gắn liền với ban công, lô gia (khoản 1 Điều 141).

- Quy định rõ thành phần Ban quản trị nhà chung cư bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhà chung cư (khoản 2 Điều 146) để khắc phục cách hiểu khác nhau về trường hợp chủ đầu tư không cử đại diện tham gia Ban quản trị nhằm mục đích cố tình không bàn giao kinh phí bảo trì trong Luật Nhà ở năm 2014.

- Quy định rõ trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư, theo đó, quyết định của Ban quản trị nhà chung cư vượt quá quyền và trách nhiệm quy định tại Luật này, quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư thì không có giá trị pháp lý, trường hợp vượt quá quyền hạn khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự; trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà thành viên Ban quản trị nhà chung cư bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 148).

- Bổ sung quy định tại Điều 153 về tài khoản quản lý kinh phí bảo trì trước khi bàn giao nhà chung cư cho khách hàng nhằm khắc phục triệt để các tranh chấp về bàn giao kinh phí bảo trì trong thời gian qua; bổ sung quy định trường hợp nhà chung cư có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung thì phải nộp vào tài khoản bảo trì do Ban quản trị quản lý để bảo trì nhà chung cư theo quy định (khoản 4 Điều 151) để thống nhất trong áp dụng pháp luật.

- Bổ sung quy định về trường hợp nhà chung cư không thành lập Ban quản trị thì các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất cử người đại diện quản lý tài khoản kinh phí bảo trì, việc sử dụng kinh phí bảo trì (khoản 6 Điều 155) để tránh khoảng trống pháp lý về nội dung này.

- Sửa đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì từ UBND cấp tỉnh sang UBND cấp huyện nơi có nhà ở đó để tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương, giảm tải công việc đối với những đô thị lớn có nhiều chung cư như TP.Hà Nội, TP.HCM,... 

Đoàn ĐBQH tỉnh Long An lấy ý kiến đóng góp các sở, ngành, chuyên gia đối với dự án Luật Nhà ở sửa đổi trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 

Ngoài ra, Luật Nhà ở năm 2023 cũng quy định cụ thể các trường hợp chuyển tiếp, cụ thể là:

1. Đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được thông qua, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp phải điều chỉnh thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã thông qua chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà UBND cấp tỉnh chưa phê duyệt chương trình thì thực hiện phê duyệt theo nội dung chương trình đã được HĐND thông qua. Trường hợp UBND cấp tỉnh đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh nhưng chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh thì phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Luật này; trường hợp nội dung của kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh không phù hợp với chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt thì điều chỉnh nội dung của chương trình theo quy định của Luật này. Trường hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà nội dung của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh có thay đổi do nhu cầu nhà ở tăng thêm đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh được điều chỉnh một lần theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Về phát triển nhà ở: Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã có văn bản của UBND cấp tỉnh xác định khu vực, vị trí được phép thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật thì được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 và điểm d khoản 5 Điều này.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; chấp thuận đầu tư dự án; quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư dự án tiếp tục được hưởng cơ chế ưu đãi theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt, trừ trường hợp Luật này, văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì chủ đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.

Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà đang làm thủ tục công nhận chủ đầu tư nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ đã có quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, quyết định phê duyệt dự án trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt.

Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15, trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận cho từng căn hộ trong nhà ở đó thì chủ sở hữu của căn hộ này tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp nhà ở quy định tại khoản này đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa được cấp Giấy chứng nhận và hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu thì được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và pháp luật về đất đai.

Trường hợp nhà ở quy định tại khoản này không đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm; không cấp Giấy chứng nhận riêng cho từng căn hộ trong nhà ở này; việc xử lý giao dịch về nhà ở thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Đối với việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Trường hợp dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư thì tiếp tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Việc triển khai, thực hiện dự án được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được giải quyết thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã bồi thường theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01/7/2015 hoặc theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, trừ trường hợp có diện tích nhà, đất, công trình xây dựng chưa đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất, công trình xây dựng chưa đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của Luật này.

Đối với nhà chung cư cũ mà UBND cấp tỉnh đã ban hành hệ số K bồi thường diện tích sử dụng căn hộ áp dụng cho dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng hệ số K này để xác định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư.

4. Đối với quản lý, sử dụng nhà chung cư: Trường hợp nhà chung cư được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật không có yêu cầu phải bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật thì chủ đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, khai thác, bảo đảm công trình hạ tầng kỹ thuật này được sử dụng đúng mục đích, công năng thiết kế; trường hợp có yêu cầu phải bàn giao nhưng chưa bàn giao thì phải bàn giao để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này.

Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nhà chung cư được nghiệm thu đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trong quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật không có yêu cầu phải bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, khai thác, bảo đảm công trình hạ tầng kỹ thuật này được sử dụng đúng mục đích, công năng thiết kế; trường hợp có yêu cầu phải bàn giao nhưng chưa bàn giao thì phải bàn giao để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này.

5. Quy định chuyển tiếp đối với chính sách về nhà ở xã hội được quy định tại Chương VI của Luật: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư, đã có văn bản lựa chọn chủ đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt, trừ trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, nội dung dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo nội dung văn bản đã được quyết định, chấp thuận, phê duyệt.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã được triển khai, thực hiện mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án tiếp tục thực hiện nghĩa vụ này theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang trong giai đoạn lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà chưa ban hành văn bản lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Đối với trường hợp bán nhà ở xã hội phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất thì tiếp tục nộp tiền theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Việc đăng ký hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, thẩm định giá, ký hợp đồng, mua bán, cho thuê mua, cho thuê, bán lại nhà ở xã hội đang thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện xong thì tiếp tục áp dụng theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã dành diện tích nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14, Luật số 61/2020/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 nhưng đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa cho thuê được thì được bán, cho thuê mua quỹ nhà ở này theo quy định của Luật này.

6. Đối với đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đã được đăng tải thông tin theo quy định của pháp luật về nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm thủ tục đề nghị có văn bản thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Luật này, trừ trường hợp có thay đổi về thông tin, nội dung cung cấp dịch vụ hoặc không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này.

7. Hộ gia đình đã sở hữu nhà ở trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, việc tham gia quan hệ pháp luật về nhà ở được thực hiện với tư cách cá nhân là thành viên hộ gia đình sở hữu nhà ở; có quyền và nghĩa vụ của cá nhân là chủ sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này.

Luật Nhà ở năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo được sự thuận lợi cho Chiến lược phát triển nhà ở xã hội ở nước ta trong thời gian tới

Với những điểm mới và các trường hợp được chuyển tiếp nêu trên thì Luật Nhà ở năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo được sự thông thoáng, minh bạch trong sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở, nhất là sẽ hỗ trợ tốt cho Chiến lược phát triển nhà ở xã hội ở nước ta trong thời gian tới./.

Kiến Phúc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích