Đối với mỗi đảng viên (ĐV), ngày được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng là ngày thiêng liêng. Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và trước sự chứng kiến của các ĐV trong chi bộ, mỗi người đã giương cao nắm tay tuyên thệ rằng:
"Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều ĐV không được làm.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển ĐV; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định”.
Chính lời tuyên thệ thiêng liêng ấy trở thành động lực thôi thúc lớp lớp thế hệ cán bộ, ĐV vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu quên mình, anh dũng hy sinh, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Và cũng chính vì lời tuyên thệ ấy mà gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ ĐV với bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần đưa đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tiếc thay! Bên cạnh những nhân tố tích cực thì trong thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, ĐV không giữ trọn lời tuyên thệ đối với Đảng. Tình trạng nói không đi đôi với làm, “nói một đường, làm một nẻo”, nói nhưng không làm đang diễn ra ở một số cán bộ, ĐV, kể cả những người có chức vụ; không nghiêm khắc với chính mình, bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, xa dân,... đã bị xử lý. Họ không chỉ đánh mất chính mình mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước và nhân dân, đi ngược lại với lời tuyên thệ khi kết nạp vào Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng: “Đừng quên rằng, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là mỗi cán bộ, ĐV”.
Nói đi đôi với làm là vấn đề có tính nguyên tắc đối với mỗi cán bộ, ĐV. "Nói" ở đây là nhận thức đúng và nói đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “Làm” là mỗi cán bộ, ĐV phải hành động đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây không chỉ là mệnh lệnh của Đảng mà còn là biểu hiện của đạo đức, lẽ sống, là sự gương mẫu của mỗi cán bộ, ĐV, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Nói đi đôi với làm phải thể hiện bằng kết quả công việc, sản phẩm cụ thể, coi đó là thước đo của sự cống hiến của mỗi cán bộ, ĐV trên tinh thần: Để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
Để giữ vững lời tuyên thệ của ĐV, thời gian tới, mỗi ĐV cần tiếp tục khắc cốt, ghi tâm và giữ trọn lời tuyên thệ với Đảng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm trong công việc hàng ngày bằng những hành động, việc làm cụ thể, thực chất, hiệu quả, thiết thực nhất.
“Mỗi cán bộ, ĐV cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo”, nhất là phải luôn “ tự soi, tự sửa”, tự đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong chính bản thân mình, kiên quyết bài trừ các hành vi xu thời, xu nịnh, các biểu hiện “nói nhiều, làm ít”, “nói hay, làm dở”, “nói một đường, làm một nẻo”, “nói nhưng không làm”” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Mỗi cán bộ, ĐV cần phải tự rà soát, soi rọi, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện lời tuyên thệ khi được kết nạp vào Đảng, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, nhân dân khi được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử,... Cùng với việc đề cao vai trò tự giác của mỗi cá nhân thì vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, ĐV công tác cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những biểu hiện sai lệch về nói và làm của cán bộ, ĐV.
Mở rộng và phát huy dân chủ trong tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị, luôn coi trọng công tác tự phê bình và phê bình, phê phán nghiêm khắc những cán bộ hay nói suông, “nói một đường, làm một nẻo”; biểu dương, khen thưởng những gương ĐV tận tụy, sáng tạo, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đi đôi với đó là “Kịp thời rà soát, thay thế cán bộ, ĐV suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, yếu kém về năng lực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”.
Huyền Linh