Tiếng Việt | English

07/02/2022 - 13:45

'Gói' quê hương vào trong khung ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Hoàng Thái, quê huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An say mê ảnh nghệ thuật và có một tình yêu đặc biệt dành cho quê hương mình. Hầu hết sáng tác của anh đều gắn liền với vùng Đồng Tháp Mười. Bạn bè vẫn quen gọi anh với cái tên thân mật là Thái Mộc Hóa.

Yêu quê hương qua hình ảnh

Lê Hoàng Thái hay Thái Mộc Hóa là cái tên khá quen thuộc của cuộc thi ảnh nghệ thuật Long An quê hương tôi với nhiều sáng tác đoạt giải liên quan đến Đồng Tháp Mười. Là một người con của Mộc Hóa, bén duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 2018, đến nay, NSNA Lê Hoàng Thái vẫn chưa hết say mê với việc khai thác đề tài về quê hương mình.

Anh Thái kể: “Tôi làm nghề chụp ảnh từ năm 1995 nhưng mãi đến sau này mới mê và chơi nhiếp ảnh nghệ thuật. Cái duyên bắt đầu từ khi tôi có cơ hội đi cùng một nhóm NSNA về sáng tác tại Mộc Hóa. Cũng tập tành chụp cùng các anh, tôi nhận ra quê hương mình đẹp quá. Từ đó, tôi bắt đầu sáng tác cho đến nay”. Cứ có thời gian rảnh, anh lại lên xe rong ruổi đi sáng tác. Sau thời gian đi khắp các ngả đường, giờ đây, vùng Đồng Tháp Mười như “nằm trong lòng bàn tay” anh Thái. Nơi nào có cảnh đẹp, mùa nào có “đặc sản” gì, anh đều biết.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hoàng Thái được bạn bè biết đến với cái tên thân mật Thái Mộc Hóa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngoài những tác phẩm ưng ý tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh, các tác phẩm còn lại, anh đều công bố lên Facebook cá nhân nhằm quảng bá cho quê hương mình. Những bức ảnh về sinh hoạt đời thường, cảnh sắc thiên nhiên của Đồng Tháp Mười do anh Thái đăng tải đã làm say lòng du khách gần xa. Một số ảnh của anh được lựa chọn sử dụng quảng bá cho du lịch Long An. Từ sự lan tỏa đó, nhiều bạn bè trong và ngoài tỉnh, kể cả bạn bè quốc tế và người nổi tiếng biết về vẻ đẹp xanh mát của Đồng Tháp Mười.

Không chỉ sáng tác một mình, NSNA Lê Hoàng Thái còn tổ chức tour du lịch nhiếp ảnh cho đồng nghiệp tại Đồng Tháp Mười. Nếu mùa nước nổi có bông súng, giăng câu, mùa len trâu thì mùa gặt lúa có cảnh thu hoạch mùa vàng, vịt chạy đồng,... Tùy theo yêu cầu từng bối cảnh, anh lựa chọn mẫu cho phù hợp. Theo đó, hình ảnh về Đồng Tháp Mười được lan tỏa nhiều nơi, xuất hiện trong nhiều cuộc thi nhiếp ảnh, báo chí trong và ngoài nước. Anh Thái chia sẻ: “Quê hương mình đẹp nên tôi muốn giới thiệu đến bạn bè, đồng nghiệp để nét đẹp ấy được lan tỏa nhiều nơi”.

Tâm huyết trong từng tác phẩm

Đồng Tháp Mười có thể được xem là “kho vàng” của người sáng tác bởi có những góc ảnh đẹp cho người cầm máy. Tuy nhiên, để có được bức ảnh thực sự có hồn và lay động người xem thì người nghệ sĩ cũng phải tiêu tốn nhiều tâm sức. Người sáng tác ảnh phải đầu tư thời gian, công sức mới có thể có được một tác phẩm vừa nghệ thuật, vừa chân thật. Ngoài việc chọn đề tài, bối cảnh phù hợp, NSNA còn phải tạo được mối dây kết nối với nhân vật nhằm giúp tác phẩm sáng tác tự nhiên, chân thật nhất có thể. Tác phẩm đoạt Huy chương Đồng trong cuộc thi nhiếp ảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Giờ ăn của tác giả Lê Hoàng Thái là một minh chứng.

Để có được bức ảnh thực sự có hồn và lay động người xem thì người nghệ sĩ phải tiêu tốn nhiều tâm sức (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giờ ăn khắc họa một khoảnh khắc sinh hoạt đời thường chân thật của Đồng Tháp Mười - giờ ăn chiều của bầy vịt chạy đồng hàng mấy ngàn con. Để có được tác phẩm Giờ ăn, NSNA Lê Hoàng Thái đã chụp hơn 1.000 bức ảnh để chọn ra khoảnh khắc ưng ý nhất. Anh đã phải di chuyển 2 lần/ngày đến địa điểm chụp ảnh vào sáng sớm và chiều tối để vừa bắt đúng khoảnh khắc, vừa tranh thủ được ánh sáng đẹp nhất trong ngày.

Để có được tác phẩm Giờ ăn, anh Thái đã chụp hơn 1.000 bức ảnh khác nhau về giờ ăn của đàn vịt chạy đồng tại Vĩnh Hưng (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hơn 1.000 con vịt chạy theo vòng xoáy ốc quanh người chủ đang rải thức ăn. Bụi lúa tung lên dưới ánh nắng hắt qua tạo ra cảnh sắc vừa bình yên, vừa đẹp mắt. Anh Thái chia sẻ: “Bức ảnh đó tôi chụp ở Vĩnh Hưng. Cứ 4 giờ sáng và 3 giờ chiều mỗi ngày, tôi di chuyển từ Mộc Hóa đến điểm chụp, leo lên ngọn cây chờ đúng thời điểm chụp ảnh. Đi 4 ngày như vậy mới được. Cũng may, chủ đàn vịt dễ tính, anh đồng ý cho tôi lui tới nhiều lần cho đến khi chụp được thì thôi. Có nhiều người hỏi tôi sao lại không chụp bằng flycam mà phải trèo cây vất vả nhưng thực tế, flycam sẽ cho hình ảnh không nét như mình muốn nên tôi chọn cách chụp truyền thống để có được tấm hình như ý”.

NSNA Nguyễn Lành - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, cho biết: “Những nỗ lực của NSNA Lê Hoàng Thái đã góp phần giúp vẻ đẹp của Đồng Tháp Mười được nhiều người biết đến. Các tác phẩm về quê hương của anh luôn có một nét riêng rất đặc biệt. Đó chính là cái hồn của ảnh, điều đó thường chỉ có được khi người nghệ sĩ thực sự hiểu và yêu về vùng đất, con người nơi mình sáng tác”./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết