Tiếng Việt | English

23/10/2020 - 20:06

Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII, Hội phụ nữ đề cao "bình đẳng giới"

Bà Tràn Thị Thanh Thanh cho rằng, đảm công bằng là đúng rồi nhưng chưa đủ, tình hình nước ta hiện nay, phụ nữ có nhiều tiềm năng nhưng chưa được bình đẳng và tạo điều kiện.

Sáng nay (23/10), tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Những vấn đề về phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới”.


Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần làm rõ các nội hàm về thực hiện các chương trình phát triển cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nguồn ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,2% dân số cả nước, với khoảng 71,24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cao hơn mức trung bình thế giới. Lao động nữ đã và đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, các đại biểu dự hội thảo cho rằng: Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần làm rõ các nội hàm về xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; thực hiện các chương trình phát triển cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu ý kiến: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, đề nghị thêm cụm từ “bình đẳng giới” cùng với cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản khác của định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi bảo đảm công bằng là đúng rồi nhưng chưa đủ, tình hình nước ta hiện nay, phụ nữ có nhiều tiềm năng nhưng chưa được bình đẳng và tạo điều kiện. Với việc phụ nữ chiếm nửa dân số hiện nay, cần đưa cụm từ "bình đẳng giới" vào định hướng phát triển trong thời gian tới".

Đặt vấn đề về trẻ em trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một số đại biểu cho rằng, những năm qua, công tác trẻ em được Đảng và Nhà nước, mỗi gia đình và toàn xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên, một số quy định của Luật trẻ em chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Pháp luật về trẻ em trên môi trường mạng quy định chưa đầy đủ, việc xây dựng môi trường an toàn lành mạnh chưa được quan tâm đúng mức, thiếu điểm vui chơi giải trí…


Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Nguồn ảnh: Gia đình và trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục chiếm đa số, nạn nhân phần lớn là trẻ em gái. Điều đáng lo ngại là các vụ trẻ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình thường không được ngăn chặn kịp thời. Mặc dù công tác tuyên truyền về bảo vệ trẻ em được quan tâm nhưng chưa đủ để tạo sự thay đổi về hành vi. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề trẻ em đã được quan tâm thể hiện, nhưng rải rác ở nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, văn hóa, y tế…

Bà Hòa nói: "Đề nghị đặt trẻ em vào phần Các vấn đề văn hóa con người Việt Nam. Bởi muốn có con người Việt Nam như chúng ta mong muốn thì phải từ trẻ em. Nói rất đậm về vấn đề chăm sóc nhưng đậm hơn là bảo vệ trẻ em. Chúng tôi cũng rất mong muốn nói đến trẻ em và phụ nữ là chúng ta nói đến gia đình. Vì vậy trong dự thảo văn kiện, chúng tôi mong muốn để cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng con người Việt Nam. Đây là chủ trương lớn, làm sao để chúng ta thấy được gia đình phải đóng vai trò lớn trong việc này."

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, phát huy vai trò, tiềm năng sức sáng tạo của phụ nữ trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết