- PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ với độc giả về hoàn cảnh phát hiện hiện vật đặc biệt này?
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Di tích Gò Ô Chùa được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 15/9/2009. Địa điểm này thuộc xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. Đây là di tích khảo cổ học (di chỉ - mộ táng) có quy mô lớn, tầng văn hóa dày và nhiều hiện vật.
Năm 1986, di chỉ được cán bộ Bảo tàng Long An (nay là Bảo tàng - Thư viện tỉnh) phát hiện. Từ năm 1997-2008, tỉnh triển khai 5 mùa khai quật. Thành tựu hợp tác - nghiên cứu, khai quật giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đã ghi nhận rằng đây là một ngôi làng cổ, di chỉ xưởng sản xuất gốm. Đồng thời, đây cũng là một khu nghĩa trang quy mô lớn với nhiều di cốt người, động vật tùy táng cùng nhiều loại hình công cụ phong phú. Khu di chỉ này thể hiện những nghề thủ công đặc sắc trong giai đoạn người cổ Gò Ô Chùa bước những bước chân đầu tiên từ thời kỳ nguyên thủy sang thời kỳ văn minh Óc Eo.
Di chỉ Gò Ô Chùa có địa tầng ổn định, theo số liệu phân tích niên đại thể hiện 2 lớp văn hóa: Lớp trên (muộn) thuộc giai đoạn Óc Eo, lớp dưới (sớm) thuộc giai đoạn tiền Óc Eo (thời kỳ kim khí). Mùa khai quật đầu tiên, mưa đến sớm trên Đồng Tháp Mười nên công trình đã gặp khó khăn không ít. Chúng tôi đã được lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến nghe báo cáo sơ bộ và động viên, thăm hỏi, trong điều kiện di chuyển và thời tiết bất lợi. Kết quả khai quật đã được công bố tại Hội nghị thông báo Khảo cổ học toàn quốc năm 1997 và liên tục các năm sau đó;... Từ kết quả ban đầu quan trọng này đã mở ra một chương trình dài hạn cho các mùa khai quật tiếp theo ở đây.
- PV: Thời điểm khai quật phát hiện hiện vật, căn cứ vào đâu các nhà khảo cổ cho rằng đây là nhạc cụ?
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Chiếc nhạc cụ cổ bằng sừng hươu mà chúng ta đang đề cập được phát hiện trong mùa khai quật năm 1997, trong tầng văn hóa sớm cùng với nhiều di cốt động vật. Trong khi đó, tầng văn hóa muộn ở bên trên chứa các hiện vật bằng đồng và sắt. Chuyên gia chỉnh lý hiện vật sau khai quật đã lưu ý đến hiện vật này (ký hiệu OCH 97H2-L6), xếp vào danh mục hiện vật bằng xương - sừng, căn cứ trên chất liệu và dấu vết chế tác, đã ghi là “đàn xương (?)”. Trong mùa khai quật năm 2008, một hiện vật tương tự (nhưng kém hoàn chỉnh hơn) cũng đã được ghi nhận. Tuy chưa đoán định được nguồn gốc của nó nhưng chiếc “đàn xương” là ý tưởng khơi nguồn cảm hứng cho chúng tôi trong việc nghiên cứu sâu về công năng của hiện vật về sau này.
- PV: Liệu đây có phải là cây đàn xương “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam mà các nhà khảo cổ học từng phát hiện?
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Trong lịch sử phát hiện nhạc cụ cổ xưa ở nước ta, nhà khảo cổ học người Pháp Georges Condominas đã nghiên cứu và công bố phát hiện về bộ đàn đá ở Ndut Liêng Krak (tỉnh Đắk Lắk) vào năm 1951.
Cho đến những năm đầu thập niên 1990, người ta tìm được khoảng 200 thanh đàn đá rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Phú Yên,... Mỗi bộ đàn này có từ 3-15 thanh. Nổi tiếng trong đó là các bộ đàn đá: Khánh Sơn, Bác Ái, Tuy An, Bình Đa (gọi theo địa danh phát hiện). Căn cứ vào loại đàn đá tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết những thanh đá để làm đàn này khoảng 3.000 năm tuổi.
Chiếc đàn một dây bằng sừng hươu cổ 2.000 năm tuổi được bảo quản tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh
Riêng loại đàn dây vừa được đề cập, khảo cổ học chỉ mới phát hiện 2 hiện vật ở Gò Ô Chùa. Chúng tôi căn cứ vào việc kiểm tra toàn bộ hiện vật thời tiền - sơ sử bằng xương - sừng trong kho bảo tàng, bao gồm cả bằng chứng về quá trình sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với những hiểu biết chuyên sâu từ các phép loại suy dân tộc học cùng với bảng phân tích niên đại C14 của tầng văn hóa sớm, chúng được đoán định rằng đây là loại nhạc cụ một dây (chordophone), ít nhất đã được 2.000 năm tuổi, lần đầu tiên phát hiện ở Đông Nam Á.
- PV: Từ năm 1997 đến nay, chúng ta đã có nghiên cứu chuyên sâu nào về loại đàn này, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Hoạt động khảo cổ học cần có sự phối hợp chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, để đạt được điều này trong một thời điểm tập trung nghiên cứu không phải là điều dễ dàng. Trong điều kiện ấy, chúng tôi đã được tỉnh cho phép hợp tác với một số cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế để xử lý từng vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đối với nhạc cụ bằng sừng hươu, đoán định ban đầu của những người chỉnh lý hiện vật (sau khai quật) đã gợi ý cho các nhà khảo cổ tiếp tục tìm hiểu từ nhiều nguồn tư liệu chuyên môn về âm nhạc và dân tộc học, trong đó, đối chiếu với 3 loại đàn tương ứng ở nước ta, chẳng hạn đàn Bro Jo-Rai (đàn brố của người Ê Đê), đàn Co ke (đàn nhị hay đàn cò) và đàn K'ny (đàn vĩ cầm miệng của người Jarai).
Theo nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng, chiếc đàn sừng hươu này ít nhất đã được 2.000 năm tuổi, lần đầu tiên phát hiện ở Đông Nam Á
Theo khảo cổ học, cho đến nay, hầu hết truyền thống âm nhạc cổ xưa trong vùng Đông Nam Á đã được tái tạo chủ yếu từ những bức phù điêu ấn tượng được tìm thấy ở nhiều di tích, đền thờ Hin-đu giáo và Phật giáo tại Campuchia, Myanmar và Sumatra (Indonesia). Tuy nhiên, việc phát hiện 2 mẫu vật nhạc cụ cổ xưa này trong số hàng ngàn phát hiện khảo cổ học gợi ý một sự đánh giá lại nghiêm túc về nghệ thuật âm nhạc cổ đại.
Trên quan điểm ấy, chúng tôi đã thực hiện báo cáo Đi tìm một quá khứ âm nhạc: Bằng chứng cho cây đàn một dây sơ khai của Việt Nam, công bố ngày 21/02/2023 trên Tạp chí ANTIQUITY của Đại học Cambridge.
- PV: Xin ông chia sẻ thêm câu chuyện về Fredeliza, nhà khảo cổ đồng thời là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống, người đã cùng ông mất nhiều năm để hoàn thành công trình trên?
Nhà nghiên cứu Vương Thu Hồng: Fredeliza Z. Campos là thành viên của Đoàn nghiên cứu khảo cổ học của Trường Đại học Quốc gia Úc - do GS. Peter Bellwood làm Trưởng đoàn. Chúng tôi đã hợp tác triển khai 3 mùa khai quật tại các di chỉ An Sơn (2009), Rạch Núi (2012) và Lộc Giang (2014). Fredeliza là nhà khảo cổ đồng thời là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống, cô đã đặt vấn đề với tôi trong việc hợp tác nghiên cứu nhạc cụ cổ bằng sừng hươu phát hiện từ cuộc khai quật di chỉ Gò Ô Chùa. Chúng tôi đã cùng tích cực làm việc, thông qua phản biện, điều chỉnh - bổ sung báo cáo và đạt kết quả khiêm tốn như trên.
- PV: Xin cảm ơn ông!./.
Như Nguyệt (thực hiện)