Tiếng Việt | English

04/04/2021 - 04:58

HĐND tỉnh Long An đối thoại về điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn

Sáng 03/4, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Mai Văn Nhiều chủ trì Chương trình Đối thoại với chủ đề về điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn, phát trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Mai Văn Nhiều chủ trì Chương trình Đối thoại

Thông tin từ HĐND tỉnh, hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt rất cao (99,39%), nước sạch đạt tỷ lệ khoảng 66%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp điện đạt 99,96%. Tuy nhiên, việc cấp điện, nước vẫn còn vấn đề bức xúc ở một số vùng trong tỉnh.

Theo đó, việc quy hoạch, phân vùng cấp nước chưa chặt chẽ, còn bất cập, có nơi chủ yếu dựa vào công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý và kém an toàn. Công tác kiểm soát chất lượng nước vẫn còn nhiều vấn đề phải kiện toàn. Nguồn lực đầu tư cấp nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tại một số nơi, còn xảy ra tình trạng thiếu nước, tỷ lệ nước hợp vệ sinh, nước sạch thấp,...

Về điện, nguồn vốn đầu tư cho phát triển lưới điện còn hạn chế và vướng về cơ chế đầu tư nên vẫn chưa hoàn thành việc xóa điện kế tổ (điện kế dùng chung) theo kế hoạch. Điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Thiếu điện, điện yếu vẫn còn là chuyện phản ảnh nhiều kỳ của cử tri. Vấn đề an toàn lưới điện ở nông thôn vẫn còn ngổn ngang ở một số xóm, ấp.

Cử tri tại phim trường kiến nghị với HĐND tỉnh bất cập trong sử dụng điện

Tại Chương trình đối thoại, đại biểu HĐND tỉnh, cử tri đã trao đổi, đối thoại rất thẳng thắn với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Điện lực Long An về những vấn đề liên quan đến việc cấp điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.

Đối với vấn đề nước, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy (đơn vị huyện Cần Đước) cho biết, xã Long Hựu Tây là xã xa nhất của huyện Cần Đước, không có mạch nước ngầm, người dân thường xuyên thiếu nước sạch để dùng, nhất là vào mùa khô. Hiện nay, vẫn còn 422 hộ dân phải sinh hoạt hoàn toàn nhờ vào nguồn nước mưa. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp trong thời gian tới giúp cho người dân xã Long Hựu Tây nói riêng, các xã vùng hạ của huyện Cần Đước nói chung có đủ nước hợp vệ sinh để sử dụng?

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền, vừa qua, UBND tỉnh đã chủ trì họp với UBND huyện Cần Đước và chỉ đạo Công ty Cổ phần Nước và Môi trường huyện, các đơn vị cung cấp nước phải thực hiện đúng với các cam kết. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện, các ngành hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua dụng cụ chứa nước và máy lọc nước trong gia đình. Những trường hợp khó khăn, tỉnh sẽ vận chuyển nước đến các điểm tập kết để cung cấp cho người dân sử dụng. Sắp tới, ngành Nông nghiệp phối hợp địa phương tiếp tục khảo sát để tham mưu cho UBND các giải pháp hỗ trợ người dân vùng đang bị thiếu nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu vấn đề thiếu nước ở vùng hạ

Song song với nhu cầu cấp nước, đại biểu HĐND tỉnh còn quan tâm đến vấn đề chất lượng của các nguồn nước được cung cấp. Theo Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh – Trương Văn Nam, công tác kiểm tra định kỳ của các cơ sở cung cấp nước và cơ quan chức năng có nơi thực hiện chưa bảo đảm theo quy định như các cơ sở cung cấp nước chưa chủ động thực hiện nội kiểm theo định kỳ; hoạt động kiểm tra chất lượng nước còn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan; tỷ lệ kiểm tra còn thấp; các thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, xét nghiệm của Trung tâm Y tế cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu;... Đại biểu đề nghị Sở Y tế cho biết hướng giải quyết vấn đề này.

Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết, ngành Y tế đang quản lý 1.066 cơ sở cấp nước trong đó có 30 cơ sở cấp nước có công suất trên 1.000m3/h. Vừa qua, UBND tỉnh đã cấp nguồn ngân sách trên 2 tỉ đồng tiến hành các công tác khảo sát, đánh giá và lập quy chuẩn nước của địa phương. Các báo cáo này sẽ được trình cho UBND tỉnh trước tháng 7/2021. Sở Y tế cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tờ trình lên HĐND về việc trang bị cơ sở vật chất cho các phòng xét nghiệm nước, trang bị máy móc, phương tiện để xét nghiệm chất lượng nước theo quy chuẩn mới của Bộ Y tế.

Đối với vấn đề điện, cử tri và đại biểu HĐND tỉnh chủ yếu kiến nghị về tình trạng chưa có đường dây hạ thế điện để phục vụ sản xuất, điện kế dùng chung còn nhiều nên điện áp yếu, hao hụt điện nhiều, giá điện cao. Qua khảo sát thực tế của HĐND tỉnh tại một số địa phương, tình trạng mất an toàn về điện vẫn còn. Nhiều danh mục dự án cấp điện cho nông thôn của tỉnh được ghi trong Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 (nay là Quyết số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 về phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020) vẫn chưa được thực hiện.

Sử sụng điện không an toàn, tình trạng điện kế tổ còn phổ biến tiếp tục được cử tri kiến nghị

Theo báo cáo của ngành Công Thương, toàn tỉnh còn 199 hộ chưa có điện và 42.831 hộ dùng chung điện kế. Số điện kế có từ 4 đến 6 hộ dùng chung là 2303 điện kế (12.161 hộ dùng chung), trong đó, 6 hộ dùng chung trở lên là 724 điện kế (5.283 hộ dùng chung). Với tiến độ xóa điện kế tổ như hiện nay thì UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện chưa bảo đảm theo cam kết tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh là đến hết năm 2020 sẽ xóa toàn bộ điện kế dùng chung. Vì vậy, cử tri và đại biểu HĐND tỉnh đề nghị ngành Công Thương thông tin thêm các giải pháp để thực hiện tốt vấn đề này trong thời gian tới.

Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Công Thương – Nguyễn Anh Việt cho biết, hiện tại dự án theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Chính Phủ chưa được bố trí vốn để triển khai trên địa bàn tỉnh nên ảnh hưởng đến việc hoàn thành công tác xóa điện kế tổ theo kế hoạch đề ra, cũng như vẫn còn một số trường hợp các hộ dân (199 hộ) sống rải rác thuộc các khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc các xã trên địa bàn tỉnh chưa thể được sử dụng điện từ hệ thống điện quốc gia. Tuy vậy, trong giai đoạn từ năm 2016 đến cuối năm 2020, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành Điện đã bố trí vốn đầu tư mở rộng và nâng cấp lưới điện để với tổng mức đầu tư là 580 tỉ đồng.

“Về giải pháp trong giai đoạn tới, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương ứng vốn để Công ty Điện lực Long An đầu tư cấp điện và hoàn trả theo lộ trình 5 năm; xem xét lồng ghép vào các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, để đầu tư lưới điện cấp điện cho các hộ dân; chỉ đạo UBND các huyện xem xét bố trí lại các hộ dân vào cụm, tuyến dân cư để ngành điện đầu tư cấp điện. Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp Công ty Điện lực Long An kiện toàn lại Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; phối hợp các cơ quan tiến hành kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, điện kế tổ, công tác xóa điện kế cụm,...” – ông Nguyễn Anh Việt thông tin thêm.

Ngành Điện giải trình về thực trạng sử dụng điện trong thời gian qua

Kết thúc Chương trình đối thoại, Thường trực HĐND đề nghị UBND tỉnh, các ngành và địa phương tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt cần rà soát quy hoạch, phân vùng cấp nước phù hợp, tránh xảy ra tình trạng chồng lấn quy hoạch, vùng thừa, vùng thiếu nước. Ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung, có quy mô lớn, liên xã, liên huyện. Đồng thời, bảo đảm nguồn lực cho các công trình cấp nước ở vùng khó khăn mà các thành phần kinh tế không thể hoặc không muốn đầu tư.

Đối với vấn đề điện, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Công ty Điện lực Long An rà soát kỹ lại kế hoạch xóa điện kế tổ, xóa điểm không có điện mà trước đây đã hứa, cam kết với HĐND tỉnh. Trước mắt, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện, giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về điện, nhất là đảm bảo 100% dân có điện sinh hoạt và xóa điện kế dùng chung từ 5 hộ trở lên trong năm 2021, lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ biên giới.

“Các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh trước và trong chương trình đối thoại, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chuyển đến các ngành có liên quan để nghiên cứu, trả lời và thông tin đầy đủ đến cử tri trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Trang thông tin Điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh sau buổi đối thoại này” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều cho biết./.

Chương trình đối thoại lần này nhằm làm rõ thực trạng, nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, góp phần khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế liên quan đến việc cung cấp điện, nước, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Từ năm 2021, Chương trình đối thoại được xem như hình thức giám sát thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích