Tiếng Việt | English

04/06/2021 - 16:20

HĐND tỉnh Long An giám sát UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới

Sáng 04/6, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An – Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về các vấn đề có liên quan trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình XDNTM đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng, trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bộ mặt nông thôn đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư theo hướng hiện đại và đồng bộ.

Tỉnh đã ban hành 33 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình XDNTM. Đồng thời ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như chính sách hỗ trợ cơ giới hóa; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển trạm bơm điện vừa và nhỏ ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh; Đề án phát triển kinh tế tập thể;...

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách về XDNTM. Qua đó nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chương trình XDNTM được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ XDNTM của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm và lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với Đoàn giám sát

Kết thúc giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 94/161 xã đạt chuẩn NTM (đạt 106,8% kế hoạch của Trung ương giao, đạt 113% kế hoạch của tỉnh); 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 1 huyện đạt chuẩn NTM, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 1 huyện và 1 thị xã có 100% xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí NTM.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, chương trình XDNTM giai đoạn 2016-2020 còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của một số nông sản hàng hóa chưa cao; sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn tự phát, hiệu quả thấp; liên kết, hợp tác phát triển chậm và thiếu bền vững.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn diễn biến phức tạp; thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp; việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn; dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với trường học, giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm;...

Để thực hiện tốt hơn nữa chương trình XDNTM trong giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình (hiện nay nguồn vốn xổ số kiến thiết của tỉnh hỗ trợ trực tiếp là 150 tỉ đồng/năm); có cơ chế hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm cho lực lượng làm nhiệm vụ XDNTM các cấp.

Diện mạo nông thôn có những đổi thay rõ rệt. Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều nhận định, chương trình XDNTM đã đi vào nền nếp, các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND tỉnh, chưa có sự đồng bộ trong XDNTM giữa các địa phương; còn chồng chéo trong các loại quy hoạch; quy mô mạng lưới trường, lớp chưa tương xứng nhu cầu; sự hài lòng của người dân đối với một số tiêu chí chưa cao;…

Ông Mai Văn Nhiều yêu cầu các địa phương phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Đồng thời, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn; đổi mới trong phân bổ các nguồn lực XDNTM, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ, nhân dân phải là chủ thể XDNTM.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của chương trình XDNTM là làm cho người dân thực sự giàu và hạnh phúc. Ông đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, bất cập mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, giúp các địa phương thực hiện tốt chương trình trong giai đoạn tiếp theo./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết