Tiếng Việt | English

10/02/2024 - 15:00

Hiệu quả thiết thực từ chuyển đổi số

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện đồng bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.

Hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân cho biết: Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và phát triển dịch vụ thông minh trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, các nền tảng số, phần mềm dùng chung đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, kết nối liên thông các hệ thống của bộ, ngành; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên.

Đến nay, 100% sở, ngành của tỉnh Long An, UBND các cấp triển khai sử dụng đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính; 100% sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng.

Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành các nền tảng số: Long An Số, Long An ID để tăng cường tương tác giữa người dân với chính quyền

Nét nổi bật trong CĐS của tỉnh là xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và khai thác các dịch vụ đô thị thông minh thiết yếu; vận hành, phát huy hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương (đã triển khai được 22 dịch vụ); hoàn thành giải pháp kỹ thuật xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, hình thành Cổng dữ liệu mở (https://data.longan.gov.vn) và Cổng dữ liệu bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn).

Song song đó, tỉnh bước đầu triển khai xây dựng hạ tầng mạng Internet vạn vật (IoT) như hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát an ninh, trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ số thiết yếu khác (y tế, giáo dục hành chính công, tổng hợp thông tin KT-XH) kết nối với Trung tâm IOC của tỉnh; triển khai các hệ thống IoT giám sát môi trường, quan trắc tại Trung tâm Quan trắc của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh triển khai kết nối 6 dịch vụ vào các hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành thông qua LGSP. Các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu chủ yếu được kết nối vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước, vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và cung cấp thông tin dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số CĐS của tỉnh tăng dần qua các năm (năm 2020 xếp thứ 27, năm 2021 xếp thứ 21, năm 2022 xếp thứ 11 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước).

Những kết quả nổi bật

Xác định CĐS là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội phát triển, năm 2023, tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình CĐS hướng đến các ngành, lĩnh vực và mọi đời sống xã hội. Nhờ đó, công tác CĐS của tỉnh trong năm đạt nhiều kết quả tích cực, trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Số hóa thủ tục hành chính, người dân chỉ cần quét mã QR là có thể dễ dàng tra cứu các thủ tục hành chính

Về chính quyền số, các hệ thống ứng dụng dùng chung của tỉnh thường xuyên được rà soát, nâng cấp, đáp ứng theo quy định và duy trì khai thác, sử dụng hiệu quả. Tỉnh duy trì triển khai đồng bộ hệ thống giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hồ sơ trên môi trường mạng.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, hồ sơ giải quyết đúng hẹn trên hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đạt 99,9%; trao đổi văn bản điện tử nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước đạt 100%; tỷ lệ văn bản đi được ký số đạt 99,9%; sử dụng hộp thư điện tử đạt 92% (đơn vị đạt 98%, cá nhân đạt 90%); Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 1.574/1.855 dịch vụ công trực tuyến (đạt 84,85%).

“Tôi thấy việc thực hiện thủ tục hành chính hiện nay thuận tiện hơn, nhất là tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận và giải quyết thông qua môi trường mạng. Chỉ cần tra cứu qua Cổng dịch vụ công, Zalo, ứng dụng Long An Số, chúng tôi biết được tình trạng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính” - bà Lê Thị Thu Oanh (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) chia sẻ.

Về kinh tế số, tỉnh triển khai hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; phối hợp các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, trên 280 cửa hàng tiện ích, trên 40 chợ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Ngành Nông nghiệp duy trì ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, ngành hỗ trợ trên 2 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 57 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; đồng thời, triển khai hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn của tỉnh (https://nongsanantoanlongan.vn) với 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh và trên 38 sản phẩm được đăng tải phục vụ người dân”.

Về xã hội số, đến nay, hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt khoảng 86%, người dân có điện thoại thông minh đạt khoảng 88%. Toàn tỉnh hiện có 100% cơ sở y tế, giáo dục thanh toán chi phí dịch vụ y tế, học phí không dùng tiền mặt; chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua ATM ở khu vực đô thị đạt 66,79%, chi trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đạt 96,83%, chi trợ cấp thất nghiệp đạt 98,15%.

Đặc biệt, tỉnh hoàn thành công tác triển khai thí điểm CĐS toàn diện cho 3 đơn vị cấp xã (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; phường 4, TP.Tân An), với nhiều mô hình thúc đẩy người dân tham gia CĐS như Cán bộ công chức hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến; Ngày thứ Tư không hẹn; Đội hình IT Xanh; Thanh niên với CĐS;...

“Năm 2024, Sở phối hợp các sở, ngành hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa tỉnh với các bộ, ngành phục vụ công tác CĐS, cải cách hành chính của tỉnh; đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng, nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ CĐS;...

Bên cạnh đó, Sở tham mưu tăng cường hợp tác, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực; tạo động lực CĐS nhanh và bền vững;…” - ông Nguyên Bá Luân thông tin./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết