Tiếng Việt | English

28/07/2023 - 09:13

Hiệu quả từ những dự án viện trợ của Chính phủ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh

Từ những dự án viện trợ y tế, giáo dục, giao thông nông thôn,... của Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe

Là địa bàn vùng sâu của tỉnh, những năm qua, huyện Tân Thạnh luôn được quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, trong đó, có công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng đầy đủ. Khi Chính phủ Nhật Bản viện trợ vốn để mua sắm thiết bị y tế, huyện chủ động trong quá trình hồ sơ. Địa phương nhận được các xe cứu thương và máy móc, thiết bị y tế hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông Trần Hoàng Dân (ấp Kênh Đạo, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) vừa rồi, vợ ông bị bệnh nặng phải cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tân Thạnh đã điều xe cứu thương đến. Nhờ được bác sĩ can thiệp kịp thời nên vợ ông may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

"Sức khỏe của vợ tôi ngày càng được cải thiện và chuẩn bị xuất viện. Nếu không có xe cứu thương thì chắc vợ tôi không được chữa trị kịp thời như thế!" - ông Dân chia sẻ.

Xe cứu thương từ dự án viện trợ phát huy hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Thạnh - Lưu Quốc Lớn cho biết: "Nhiều năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được địa phương quan tâm, tạo điều kiện và dành nguồn lực để đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ. Do nguồn lực còn hạn chế nên việc đầu tư còn khá khiêm tốn. Địa phương may mắn nhận các chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản trang bị xe cứu thương, thiết bị y tế.

Trong đó, Trung tâm Y tế huyện (cơ sở 1) được nhận 2 xe cứu thương hiện đại, loại 16 chỗ, tổng trị giá trên 2 tỉ đồng vào cuối năm 2022. Trung tâm Y tế (cơ sở 2 - Hậu Thạnh Đông) được nhận 1 xe cứu thương trị giá gần 700 triệu đồng (năm 2016), hệ thống xử lý chất thải y tế và trang thiết bị phòng xét nghiệm trị giá trên 1,6 tỉ đồng (năm 2019), máy X-Quang và nâng cấp phòng chì với trị giá gần 2 tỉ đồng (năm 2022). Những dự án viện trợ của Chính phủ Nhật Bản góp phần nâng cao công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương cũng như khu vực".

Chia sẻ khó khăn với học sinh vùng sâu, vùng xa

Từ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, những phòng học mới được xây dựng khang trang, tiếp thêm động lực để cán bộ, giáo viên trường vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Hưng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường TH&THCS Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng) có khuôn viên rộng, thoáng mát với nhiều cây xanh, bồn hoa đẹp; cơ sở vật chất của trường khang trang. Hiệu trưởng Trường TH&THCS Vĩnh Bình - Lưu Phước Quang cho biết, những ngày đầu mới thành lập, trường đối diện với nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa không đạt chuẩn. Song, được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, giáo viên, nhà trường gặt hái được nhiều kết quả tích cực.

Khánh thành 7 phòng học do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tài trợ

Thời gian qua, với sự đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung tay của các tổ chức, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, nhiều hạng mục công trình (phòng học, phòng chức năng, sân đường, cổng rào,…) tại Trường TH&THCS Vĩnh Bình được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, để góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, năm 2019, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM quan tâm, tài trợ đầu tư xây dựng 7 phòng học mới, diện tích gần 500m2. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 3,2 tỉ đồng, trong đó, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tài trợ trên 2,4 tỉ đồng, phần còn lại từ nguồn ngân sách huyện đối ứng. Đến nay, cơ sở vật chất của trường cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Thầy Lưu Phước Quang phấn khởi: “Nhiều phòng học mới được xây dựng rộng rãi, kiên cố, việc học tập của các em học sinh thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi cũng yên tâm dạy học, cơ sở khang trang, tiện nghi còn tạo niềm vui cho các em học sinh hăng hái đến trường, thi đua học tập”.

Đến nay, toàn huyện có 24 trường học các cấp, trong đó, có 20 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (cấp mầm non có 11/12 trường, cấp tiểu học và THCS có 8/10 trường, cấp THPT có 1/2 trường). Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh cho biết: "Nhờ làm tốt công tác huy động xã hội hóa, nhiều trường học trên địa bàn huyện được bổ sung thêm cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp. Sự chung tay của các mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp tạo môi trường học tập tốt hơn cho các em học sinh; đồng thời, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Thúc đẩy phát triển

Trước đây, người dân 2 xã Tân Phước Tây và Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, gặp khó khăn trong việc đi lại do cây cầu nối liền 2 địa phương bị xuống cấp. Nguồn vốn để xây cầu mới tương đối lớn trong khi nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư. Năm 2016, khi nắm bắt thông tin chương trình viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, địa phương đã hoàn thiện các thủ tục hồ sơ và nhận được tài trợ từ chương trình này. Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 636 triệu đồng để xây dựng cầu Mới, ấp 1, xã Tân Phước Tây. Ngày khởi công, địa phương nỗ lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án. Sau 6 tháng thi công, cây cầu Mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Trang (ấp 1, xã Tân Phước Tây) vui mừng nói: Từ khi có cầu mới, giao thương thuận lợi, nhất là việc vận chuyển nông sản trên địa bàn. Diện mạo địa phương cũng khởi sắc.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ - Lê Thành Việt thông tin: “Chương trình viện trợ cầu giao thông nông thôn của Chính phủ Nhật Bản phát huy hiệu quả thiết thực. Cây cầu mới được xây dựng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý để cây cầu được sử dụng lâu dài. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận thêm những nguồn lực để có thể đầu tư hạ tầng, góp phần vào phát triển KT-XH địa phương”./.

Châu Sơn - Văn Đát

Chia sẻ bài viết