Trong tranh Đông Hồ, con heo được phác thảo bởi những vòng xoáy âm dương. (Tranh: Internet)
Trong văn hóa phương Đông, con heo nằm ở địa chi cuối cùng trong 12 con giáp và cũng là con vật đứng cuối cùng trong lục súc (ngựa, bò, dê, gà, chó, heo). Heo là con vật vô cùng gần gũi trong đời sống, sinh hoạt, đồng thời cũng mang nhiều hình tượng trong những ví von đa chiều của văn hóa, tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Có thể thấy rất rõ hình tượng heo trong quan niệm văn hóa cổ truyền là một biểu trưng của sự sung túc, no đủ - ý nghĩa của sự phồn thực, điều này thể hiện sống động nhất ở tranh dân gian Đông Hồ xưa. Ở đấy, con heo (lợn) được phác thảo bởi những vòng xoáy âm - dương nằm ở phía trên ngang mình (gần vai và mông), hài hòa, cân bằng đường nét, hàm nghĩa hòa hợp âm dương cho việc sinh sôi, phát triển. 5 chú heo con vây quanh heo mẹ thể hiện yếu tố ngũ hành, mỗi chú mang một dáng vẻ, chú thì muốn trèo lên lưng, chú muốn rúc vào bụng mẹ, những chú khác hướng vào mầm lá khoai để ăn. Bức tranh bên cạnh đề cao tình mẫu tử còn mang biểu trưng của sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn - một quy luật sinh tồn trong tín ngưỡng phồn thực.
Ở một khía cạnh khác, trong đời sống thường nhật, heo cũng được hình tượng hóa qua nhiều phép tu từ để châm biếm, phê phán những thói tật hay khuyết điểm của người khác, dần dà phát triển bền vững thành nhiều câu cửa miệng quen thuộc xưa nay. Khi muốn mỉa mai người biếng nhác, người ta thường ví “chỉ biết ăn no rồi nằm như heo”; người tham ăn thường bị phê phán là “ăn như heo”; người chậm hiểu thì thường bị chỉ trích “ngu như heo” nhưng lúc khác, người ta cũng dùng loài heo để nói về sự may mắn tự nhiên tìm tới mà không phải làm gì - “có số sướng như heo”...
Là biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc, trong tục lệ cưới hỏi của người Việt xưa nay, con heo luôn có mặt trong những sính lễ tơ hồng, từ lễ dạm ngõ, đám hỏi và cả đám cưới. Người miền Bắc thường dùng thủ lợn (đầu heo) trong các lễ ăn hỏi, còn người miền Nam thường dùng cả con heo sữa quay cho lễ nạp tài đám cưới với ý nghĩa chúc cô dâu chú rể phát tài, phát lộc và sớm có tin vui (hàm ý cầu mong sự sinh sôi). Ngoài ra, trong nhiều lễ cúng tế long trọng vào các dịp đầu hoặc cuối năm, từ cúng các vị thần ở đền, miếu đến cúng tổ tiên, ông bà để cầu tài lộc hay tạ lễ, trên mâm cỗ cũng thường xuất hiện một con heo quay cầu mong tài lộc và thể hiện sự thành kính của con cháu.
Đón năm Hợi, vào những ngày giáp tết, ta sẽ bắt gặp hình tượng con heo có mặt trên các loại lịch treo tường, lịch để bàn được rao bán dọc đường phố, ngoài chợ, trong nhà sách,... Vẫn là hình ảnh quen thuộc với những chú heo đẫy đà, xôm tụ bên nhau hết sức sinh động.
Vòng quay tuần hoàn của thời gian lại đưa con giáp này trở lại và song hành với con người trong một năm mới cùng ước nguyện no đủ, thịnh vượng. Chúng ta lại có dịp chia sẻ cùng nhau những mẩu chuyện, những giai thoại về loài heo - con giáp đã gắn bó bền chặt suốt chiều dài văn hóa, tín ngưỡng cùng nhiều biểu trưng đa dạng, đặc sắc trong quan niệm của dân gian./.
Ngô Thế Lâm