Tiếng Việt | English

09/01/2024 - 10:11

Hình tượng Rồng trong văn hóa Việt Nam

Rồng tuy là con vật của huyền thoại nhưng nhân dân ta, dù đi đâu, ở đâu trên khắp trái đất này đều luôn tự hào về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên”. Hình ảnh rồng là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Ảnh minh họa (Nguồn: baochinhphu.vn)

Đến nay, vẫn tồn tại nhiều giả thiết về nguồn gốc của rồng. Có ý kiến cho rằng, tiền kiếp của rồng qua những hình tượng được diễn tả trong mỹ thuật cổ, như ngày nay chúng ta thường nhìn thấy, chính là quá trình phát triển và hoàn thiện hóa từ cá sấu - một sinh vật có từ thời cổ đại, sống trong các vùng đầm lầy ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, hay có gốc gác từ con thủy quái Makara hoặc từ hình tượng rắn thần trong truyền thuyết Ấn Độ,...

Song, dù lý giải thế nào về nguồn gốc rồng thì trong tâm thức của người Việt truyền thống và ngay cả ngày nay, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước - một nghề trên đất Việt được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.

Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

Vào thời Trần, về kiểu dáng, cơ bản rồng vẫn như rồng thời Lý, vẫn có chất phóng khoáng, thoải mái, tươi mát, uốn sóng nhỏ dần nhưng đã có một số thay đổi. Cái đẹp lúc này toát ra trong tính hiện thực và sự mập, khỏe, các chi tiết gắn với những yếu tố thực của các con vật, dáng trùng trục, đẫy đà nhiều sức sống.

Thời Lê Sơ, rồng vẫn có mặt ở vị trí xứng đáng của mình. Thời kỳ này, ta thấy hình tượng rồng phổ biến trên các bia đá. Do được tạo tác trên chất liệu này nên hầu hết hình rồng đến nay còn tương đối nguyên vẹn. Điển hình là đôi rồng đá ở Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở các bia lăng, mộ vua chúa nhà Lê, ở Lam Kinh, Thanh Hóa.

Rồng có 7 khúc uốn, từ to đến nhỏ dần, toàn thân có vảy đơn, 4 chân to, mập, mỗi chân có 5 ngón với móng sắc xòe rộng. Đầu rồng to được thể hiện theo hướng nhìn chính diện, cách thể hiện này lần đầu tiên gặp trong mỹ thuật trang trí với đồ án rồng. Chiếc mào lửa đã không còn nữa, thêm vào đó là chiếc sừng chẽ chạc như kiểu sừng hươu, đôi tai xuất hiện to và rõ ràng, cái mũi phập phồng với nhiều lớp sóng trùng nhau như kiểu rồng thời Lý - Trần đã biến mất, thay vào đó là chiếc mũi giống như mũi của một loài thú dữ ăn thịt, có người gọi là mũi sư tử.

Miệng rồng há rộng trông rất giống miệng cọp, hai mắt lồi to, nằm trong hốc mắt sâu, trên mép gần hai cánh mũi mọc ra hai sợi ria dài, phía dưới cằm có một cụm bờm cổ, thô dày và những sợi râu dài. Nhìn toàn thể, đầu của con rồng này trông rất dữ tợn, đầy vẻ đe dọa, lại thêm các chân xòe ra với móng vuốt sắc nhọn. Cả con rồng toát ra vẻ uy quyền. Nhìn con rồng thời kỳ này ta thấy, nó đã hội tụ tất cả những gì tinh túy nhất của nhiều loài vật kể cả vật biết bay, ở dưới nước, ở trên cạn, như sừng nai, tai thú, mắt kỳ đà, mũi sư tử, vảy cá chép, vuốt chim ưng. Nhìn vào hình tượng đôi rồng này ta có cảm tưởng đó là một linh vật dữ dằn với đầy tính áp chế, thể hiện uy quyền tối thượng của đấng quân vương.

Thủ đô Hà Nội ngàn năm trước đã được hình thành từ giấc mộng Thăng Long - rồng bay của đức vua Lý Thái Tổ. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, biểu tượng rồng thiêng được tái tạo và hiện diện rất nhiều nơi ở Thủ đô Hà Nội. Đó là minh chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện, tồn tại của rồng trong văn hóa Việt qua mọi thời đại, trong lòng cộng đồng của cả một dân tộc./.

Ngọc Linh

Chia sẻ bài viết