Tiếng Việt | English

30/07/2024 - 14:12

Hỗ trợ gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh Long An luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách (GĐCS), người có công với cách mạng (NCCVCM) bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Qua đó, góp phần động viên họ vơi đi những mất mát, đau thương, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Ấm lòng trước sự quan tâm, chăm lo

Mặc dù đã 93 tuổi nhưng kỷ niệm về những ngày tham gia chiến đấu vẫn nguyên vẹn trong ký ức của thương binh Lê Văn Di (SN 1931, ngụ xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long  An). 20 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, làm quân y của Tiểu đoàn 309.

Ông Di nói: “Sau khi vào Tiểu đoàn 309, tôi được tham gia học các lớp chăm binh, cứu thương, y tá và quân y sĩ, cứu chữa được nhiều đồng đội bị thương, bị bệnh”.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên thương binh Lê Văn Di  (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Di không thể nào nhớ nổi đã bao lần cứu chữa cho các thương, bệnh binh. Chỉ biết rằng, những ngày tháng đó, ông cùng đồng đội bất chấp mọi nguy hiểm, khắc phục khó khăn, thiếu thốn về ánh sáng, thuốc men, làm việc liên tục ở nơi núi rừng hiểm trở, dưới cơn mưa bom, bão đạn hay trong những căn hầm chật hẹp, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường để kịp thời cứu chữa cho đồng đội khi bị thương. Dù gian khổ nhưng đồng đội luôn đoàn kết, gắn bó với nhau.

Đối với các y, bác sĩ, dù tiếng máy bay của địch hay tiếng bom, đạn nổ tung cũng không thể nào làm lung lay ý chí, tinh thần trách nhiệm với đồng đội. Ông Di nói thêm: “Chúng tôi tranh thủ từng giây, từng phút để giành lại sự sống cho đồng đội, động viên họ cố gắng vượt qua. Những lần đồng đội bị thương nặng, không qua khỏi là những lần tôi tự trách mình và càng căm thù bọn giặc, quyết phải đấu tranh giành lại độc lập”.

Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, gian khổ, đầy máu và nước mắt nhưng ông và đồng đội vẫn kiên định tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ông Di kể, trong lần làm nhiệm vụ tại xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa), ông bị súng bắn trúng tay bị thương nên không thể trực tiếp chữa trị cho thương, bệnh binh được nữa. Ông chuyển sang làm trợ lý hỗ trợ đồng đội mỗi lần cứu người.

Năm 1970, sau khi trở ra Bắc, ông được Đảng, Nhà nước cho về hưu và sau đó quay trở về quê hương. Ông tiếp tục gương mẫu, đóng góp cho phong trào của địa phương. Được biết, khi trở về quê hương, ông mang thương tật 21%, là thương binh hạng 4/4. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, năm 2004, huyện vận động nguồn xã hội hóa từ “Điểm hẹn nghĩa tình”, hỗ trợ ông xây dựng căn nhà tình nghĩa trị giá 18 triệu đồng.

Đến nay, căn nhà của ông Di đã xuống cấp. Thực hiện theo sự chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho ông với số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông được thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi dành cho NCCVCM, thường xuyên được thăm hỏi và tặng quà.

Ông Di chia sẻ: “Tham gia cách mạng là để góp sức giành lại hòa bình, độc lập cho quê hương, dân tộc chứ không nghĩ thế hệ mai sau phải tri ân. Khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kịp thời, gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi và ấm lòng. Với tôi, được góp sức mình trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, Tổ quốc là một vinh dự và là kỷ niệm sâu sắc khó quên”.

Ấm áp những căn nhà tình nghĩa

Sống trong căn nhà xuống cấp, dột trước, dột sau, ông Phạm Văn Đồng (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Lương Bình, huyện Bến Lức) mơ ước có tiền sửa lại căn nhà để có nơi thờ cúng cha là liệt sĩ Nguyễn Văn Đúng được đàng hoàng hơn. Nhưng cuộc sống còn khó khăn, ông Đồng mắc bệnh phổi, sức khỏe không tốt nên không làm được việc nặng. Trụ cột chính của gia đình phụ thuộc vào người vợ đi làm giúp việc. Ông có 2 người con trai đã lập gia đình và ra riêng nhưng cuộc sống cũng thiếu trước, hụt sau nên không thể phụ giúp được gì nhiều cho ông.

Ông Phạm Văn Đồng (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) vui mừng khi được hỗ trợ sửa lại căn nhà đã xuống cấp

Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho GĐCS, NCCVCM, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh cho gia đình ông Đồng sửa chữa nhà ở.

Ông Đồng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống khó khăn, vợ chồng tôi tích cóp xây dựng được căn nhà đơn sơ nhưng theo thời gian dần xuống cấp. Nhờ được hỗ trợ 50 triệu đồng, tôi sửa lại căn nhà kiên cố hơn, yên tâm chăm lo ổn định cuộc sống. Ngoài ra, gia đình tôi còn được chính quyền địa phương quan tâm thăm hỏi, tặng quà vào những dịp lễ, tết”.

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Bến Lức hỗ trợ sửa chữa 4 căn nhà cho GĐCS, NCCVCM, tổng kinh phí 200 triệu đồng. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức - Phạm Tuấn Hải cho biết: “Những năm qua, nhờ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở, các GĐCS, NCCVCM ngày càng ổn định cuộc sống. Đến nay, nhà ở cho NCCVCM cơ bản đã hoàn thành, hiện chỉ rà soát, sửa chữa những căn nhà xuống cấp”.

Các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà cho GĐCS, NCCVCM nhân các dịp lễ, tết là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm thể hiện lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn và sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, các thương, bệnh binh, NCCVCM trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là hành động thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho GĐCS, NCCVCM.

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, đời sống của các GĐCS, NCCVCM ngày càng tốt hơn, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với những người đi trước ngày càng trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp cho những giá trị nhân văn mãi trường tồn./.

Hỗ trợ gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống

Hỗ trợ gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống 

Chiến tranh dần lùi xa nhưng những mất mát, đau thương của các gia đình chính sách, người có công vẫn còn đó. Chia sẻ với nỗi đau các gia đình, thế hệ hôm nay luôn tri ân họ bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực.

Tuệ An

Chia sẻ bài viết