Quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo nhỏ đan xen, trải rộng trên diện tích hơn 400.000km2 biển Đông, bao quanh là những ngư trường hào sản, hải sản và có nhiều tiềm năng tài nguyên dầu, khí,…
Từ xa xưa, vào mùa xuân-mùa biển lặng, ông cha ta đã dong thuyền buồm ra Trường Sa đánh bắt hải sản và những sản vật khác. Từ đây, các thế hệ tiếp nối ra Trường Sa sinh sống, làm ăn, khẳng định Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Có lẽ do hàng trăm năm làm chủ quần đảo này nên người dân và người lính giữ biển đã di thực nhiều cây xanh phủ xanh các đảo nổi hoang trắng chỉ có cát, đá san hô ở Trường Sa.
Có người ví đất ở đảo như vàng, nước ngọt như kim cương, từng cây xanh quý như ngọc. Bây giờ ở Trường Sa không chỉ có nắng, gió, có vị mặn của biển để cát, đá, san hô,… nằm phơi mình mặc cho gió quét, mặc cho mưa bão. Thảm xanh đã phủ các đảo bởi những hàng cây bàng vuông, cây phong ba, rau muống biển, phi lao và nhiều loại rau xanh,…
Đất, nước ngọt là những yếu tố tất yếu để thực vật sống và phát triển nhưng ở Trường Sa không có đất, không có nước ngọt, độ ẩm, sương đêm cũng nặng hơi muối, nhưng vì sao cây sống và phát triển được? Ra Trường Sa bạn sẽ hiểu, sẽ giải đáp được điều này.
Những bàn tay gốc nông dân “đất liền” chăm sóc chưa ăn thua đâu mà cần có cả tình người trồng trong đó! Anh lính trẻ Hải quân giải thích tiếp: Phải biết lựa thời điểm mà trồng, biết trận mưa nào mặn, nặng sương muối mà che chắn cho cây. Thương quý cây, chăm chút cây xanh như người bạn thân thiết. Trồng được một cây xanh tươi trên đảo là gian nan lắm! Hai hình ảnh đầy ấn tượng mà có lẽ suốt đời bạn sẽ không bao giờ quên khi có dịp ra Trường Sa.
Đó là hình ảnh người lính Hải quân đứng trên nhà dàn DK, ở âu tàu tại từng đảo mà bạn đến đang vẫy cờ Tổ quốc giữa biển trời bao la sao mà thiêng liêng quá! Đến từng đảo bây giờ bóng mát cây xanh phủ kín. Đảo Song Tử Tây cây phong ba rì rào như hát với gió biển. Ở Trường Sa Lớn, bàng vuông được các anh Hải quân trồng kín đảo. Trung tâm đảo có cây bàng vuông cổ thụ là mẹ của các lứa bàng vuông lớp sau. Dưới tán bàng vuông cổ thụ là một “hội trường xanh”, “câu lạc bộ xanh” cho người lính Hải quân tập luyện, hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ,…
Vào hè, bàng vuông hoa nở đẹp lạ kỳ và tỏa hương nhè nhẹ. Hoa bàng vuông được các anh đặt tên là “Hoa hậu biển”. Nằm ở phía Nam là đảo Nam Yết bao quanh đảo là những hàng dừa,… Đúng là có bàn tay, khối óc của con người mọi thứ có thể trở thành hữu ích, khắc chế phần nào sự nghiệt ngã của thiên nhiên.Trong chuyến đi ra Trường Sa của Đoàn cán bộ tỉnh Long An do đồng chí Trần Văn Lực - ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An làm trưởng đoàn đã đến được nhiều đảo, thăm hỏi sức khỏe, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống trên các đảo. Đến đơn vị đảo nào cũng thấy được tinh thần lạc quan, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, vất vả, các anh vừa chống chọi với nắng gió, mưa bão, vừa nâng cao tinh thần cảnh giác, vững vàng sẵn sàng chiến đấu giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Bằng tình cảm của người lính Trường Sa, các anh đã gửi cho Đoàn Long An món quà quý chỉ có ở Trường Sa. Đó là 2 cây bàng vuông ở đảo Trường Sa Lớn và 2 cây phong ba ở đảo Song Tử Tây.
Theo đề xuất của trưởng đoàn, 2 cây bàng vuông được trồng ở vị trí trang trọng trong khuôn viên tượng đài “Long An Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” và 2 cây phong ba được trồng trong khu di tích đền thờ Anh hùng Nguyễn Trung Trực để mọi cán bộ, nhân dân có dịp đến đây luôn hướng về Trường Sa và Hoàng Sa bằng tình cảm, bằng hành động vì biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cây bàng vuông, phong ba ở Trường Sa đã bén rễ xanh tươi trên đất Long An trung dũng. Chắc chắn thế hệ hôm nay và mai sau chăm bồi “cây Trường Sa” và sẵn sàng lên đường ra biển không để một mét biển nào bị xâm chiếm.
ANH HUY