Tiếng Việt | English

30/04/2019 - 14:36

Hoài Phan - Người nghệ sĩ đa tài dân dã

Trong cái nóng của buổi trưa hè, tiếng sáo vi vu cất lên như làm dịu bớt đi một ít. Đó là tiếng sáo của nghệ sĩ Hoài Phan, người gần như dành trọn cuộc đời mình cho cây sáo trúc.

Không chỉ là người thổi sáo hay, làm sáo giỏi, nghệ sĩ Hoài Phan còn là “bậc thầy” trong việc giả tiếng các loài vật, nói được giọng nói của nhiều  vùng, miền khác nhau và có giọng hát, ngâm thơ hết sức truyền cảm
Không chỉ là người thổi sáo hay, làm sáo giỏi, nghệ sĩ Hoài Phan còn là “bậc thầy” trong việc giả tiếng các loài vật, nói được giọng nói của nhiều vùng, miền khác nhau và có giọng hát, ngâm thơ hết sức truyền cảm

Lãng du cùng tiếng sáo
Nghệ sĩ Hoài Phan sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bình Định. Ông là một nghệ sĩ ngâm thơ, thổi sáo sáng giá từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau năm 1945, ông chọn Cần Đước, tỉnh Long An làm quê hương thứ 2, tiếp tục “mối lương duyên” của mình với cây sáo trúc. 

Gặp chúng tôi, người nghệ sĩ già có phần bỡ ngỡ, bởi lâu rồi chỉ có bạn bè, thân quyến đến thăm, nói những câu chuyện đờn ca bên tách trà, chung rượu. Kể từ khi ngừng chế tác sáo cũng như dạy thổi sáo tại TP.HCM, khách lạ ghé nhà nghệ sĩ Hoài Phan có lẽ chỉ là những cô cậu học trò cần mua văn phòng phẩm vì vợ chồng ông có một hiệu sách nhỏ tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước để vui tuổi già! 

Khi chúng tôi tỏ vẻ quan tâm và hỏi về sáo trúc, ánh mắt ông dường như sáng lên và nụ cười rạng rỡ hẳn ra. Ông bắt đầu câu chuyện bằng cách thổi một đoạn nhạc. Những giai điệu du dương, tha thiết, ngọt ngào của bài Thương về miền Trung vang lên làm người nghe say đắm. Nghệ sĩ Hoài Phan “bén duyên” cùng sáo trúc từ khi mới 12 tuổi. Lúc đó, ông đã bị tiếng sáo trên đài phát thanh “mê hoặc”, đến nỗi phải quyết tâm học cho kỳ được mới thôi. Rồi chàng thiếu niên Hoài Phan có cơ hội học thổi sáo với những “cây cổ thụ” trong làng sáo như Nguyễn Đình Nghĩa, Tô Kiều Ngân, cộng thêm tài năng thiên bẩm, tiếng sáo của ông được giới nghệ sĩ và người mộ điệu thời bấy giờ yêu mến. 

Thấy mình như có duyên với sáo, Hoài Phan quyết tâm nghiên cứu về sáo trúc, ông vừa tìm đọc sách, vừa học cách chơi và làm sáo trúc. Đến nay, hơn 70 tuổi đời thì nghệ sĩ Hoài Phan có đến 60 năm gắn bó cùng cây sáo trúc. Trình độ làm sáo, thổi sáo của ông đã đạt mức “thượng thừa”! Sáo vốn là loại nhạc cụ không dễ chơi, thổi sáo bằng miệng đã khó, nghệ sĩ Hoài Phan còn có thể thổi sáo bằng... mũi với những giai điệu không kém phần du dương, thu hút.

Không chỉ thổi sáo, nghệ sĩ Hoài Phan còn là người làm sáo cừ khôi. Mỗi cây sáo ông làm ra đều có một đặc điểm riêng về cả âm thanh và họa tiết. Nghệ sĩ chia sẻ: “Mỗi cây sáo có một tông riêng, tùy vào đường kính ống sáo mà tôi biết cây sáo mình làm sẽ thuộc tông nào. Một cây sáo tốt là phải có âm thanh hay, đủ độ khô để sau này tiếng sáo không bị ảnh hưởng do thời tiết và thứ nữa là sáo phải đẹp, an toàn”. 

Để có được cây sáo hay, nghệ sĩ phải cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu, cách khoét lỗ và bảo đảm độ khô của sáo thành phẩm. Có được sáo hay rồi, nghệ sĩ Hoài Phan lại mày mò để có cây sáo đẹp. Tất cả sáo ông làm đều được đánh bóng đến “lên nước” tự nhiên. Họa tiết trên sáo đều được chế tác bằng cách hơ đốt vỏ sáo. Trong bộ sưu tập sáo mà ông giữ làm kỷ niệm, có những cây đen tuyền, bóng loáng, cũng có những cây họa tiết da báo, họa tiết khoang đen trên nền ống trúc vàng,... Không cây nào giống cây nào, mỗi cây sáo là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.

Mỗi cây sáo của nghệ sĩ Hoài Phan là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, hoa văn đều được chế tác bằng cách hơ đốt trên ngọn lửa, hoàn toàn không dùng màu vẽ hay phủ bóng

Mỗi cây sáo của nghệ sĩ Hoài Phan là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, hoa văn đều được chế tác bằng cách hơ đốt trên ngọn lửa, hoàn toàn không dùng màu vẽ hay phủ bóng

Nghệ sĩ đa tài

Thậm chí, nghệ sĩ còn làm được những cây sáo có thể giả giọng hót của các loài chim: Chích chòe, chào mào, họa mi, cu, sáo,... Để minh chứng cho điều đó, nghệ sĩ chọn cây sáo nhỏ trong “gia tài” của mình và bắt đầu thổi khiến chúng tôi ngỡ mình đang ở giữa một rừng chim với rộn ràng tiếng hót. 

Nhìn gia tài đồ sộ của mình, nghệ sĩ Hoài Phan mỉm cười: “Tôi ngừng làm sáo và đi dạy cách đây chừng 2 năm vì sức khỏe không cho phép. Lớn tuổi quá rồi, cứ đi xe máy lên xuống Cần Đước - TP.HCM hoài cũng không tốt. Đây là những cây sáo tôi giữ làm kỷ niệm. Còn nhiều lắm, nhưng tôi không nỡ bán, không muốn bán, chỉ muốn giữ lại cho mình”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi cả cuộc đời của nghệ sĩ Hoài Phan gần như gắn bó cùng cây sáo trúc. Từ lúc tuổi đôi mươi, ông đã làm sáo trúc, và nghề làm sáo từng giúp ông gầy dựng cuộc sống ổn định đến bây giờ. Những cành trúc vô tri khi vào tay người nghệ sĩ tài hoa liền được "thay da, đổi thịt". 

Không chỉ là người thổi sáo hay, làm sáo giỏi, nghệ sĩ Hoài Phan còn là “bậc thầy” trong việc giả tiếng các loài vật: Khúm núm, bìm bịp, quốc,... Ông cũng có thể nói được giọng nói của nhiều vùng, miền khác nhau cùng giọng hát và ngâm thơ hết sức truyền cảm. Để có được những biệt tài đó, theo nghệ sĩ Hoài Phan, không gì ngoài luyện tập. Ông kể, để giả được tiếng chim muông, ông phải học cách lắng nghe và tập luyện trong suốt nhiều tháng liền. Có lần, nghe tiếng ông giả gọi, con chim bìm bịp từ đâu lao thẳng vào sân. Lúc ấy, ông biết mình đã thực sự thành công. 

Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 70, ông vui với cuộc sống bình dị bên người bạn đời, hàng ngày trông coi hiệu sách nhỏ. Thỉnh thoảng nhớ nghề, nhớ sáo, ông lại bày gia tài ra thổi vài đoạn nhạc, ngâm lại bài thơ hay vu vơ hát những bản tình ca một thời làm say đắm biết bao người./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết