Tiếng Việt | English

06/03/2024 - 19:01

Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai

Chiều 06/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Triển khai thi hành Luật Đất đai theo hình trực tiếp tại trụ sở Bộ TN&MT và trực tuyến đến các tỉnh, thành trên cả nước. Bộ trưởng Bộ TN&MT - Đặng Quốc Khánh chủ trì hội nghị.

Tại Long An, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tham dự

Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Luật thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Bảo đảm kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất;...

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TN&MT thông tin nội dung cơ bản và một số điểm mới nổi bật của Luật Đất đai 2024. Trong đó, có những quy định được người dân quan tâm như cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy định 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; Bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất; bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố, áp dụng từ ngày 01/01/2026 và được điều chỉnh từ ngày 01/01 của năm tiếp theo; quy định người sử dụng đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất (trả tiền thuê đất hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê);...

Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung thêm Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 điều, từ Điều 112 đến Điều 115). So với Luật Đất đai năm 2013 thì chương này là chương mới hoàn toàn, chương này quy định về nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; đất do tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác; quỹ phát triển đất và tổ chức phát triển quỹ đất.

Việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy định cụ thể nguồn hình thành quỹ đất. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương.

UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất này. UBND cấp xã, nơi có đất có trách nhiệm phối hợp tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn đất, chiếm đất.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất những nội dung mới cần tiếp tục cụ thể hóa để hướng dẫn, triển khai trong thời gian tới./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết