Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 15:52

Huỳnh Văn Gấm - Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đơn vị tỉnh Tân An

Họa sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Văn Gấm, bí danh Võ Văn Tư, sinh ngày 10-3-1922, quê ở làng Bình Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là TP.Tân An, tỉnh Long An). Ông mất ngày 10-2-1987 tại TP.HCM.

 

Họa sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Văn Gấm

Trở về quê, ông được Tỉnh ủy Tân An chỉ định là Tráng trưởng phụ trách Thanh niên Tiền phong tỉnh, được kết nạp vào Đảng và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được phân công phụ trách ban quân sự của Tỉnh ủy.Ông xuất thân từ một gia đình trung lưu, xưa gọi là tiểu tư sản trí thức nhưng từ trẻ sớm có ý thức dân tộc. 19 tuổi, ông là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, khóa VI (1941-1945), cùng khóa với các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình,… và bắt đầu tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), khiến ông phải bỏ dở dang khóa học.

Tháng 9-1945, ông được hội nghị Tỉnh ủy (họp tại khu nhà lầu bà Tổng Thận ở tỉnh lỵ) bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Tân An, liền đó, ông dẫn đầu đoàn quân của tỉnh lên chặn giặc ở Phú Lâm.

Cuối năm 1945, ông là Phó Chủ tịch Mặt trận Việt minh tỉnh, Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh. Tại cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất cả nước ngày 6-1-1946 ở đơn vị bầu cử tỉnh Tân An, ông trúng cử cùng với Tống Đức Viễn (một tỉnh ủy viên), trở thành 2 trong số 333 Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bước vào “chín năm” chống Pháp, Huỳnh Văn Gấm là một trong số ít họa sĩ cách mạng đầu tiên ở miền Nam vẽ bức chân dung lớn về Cụ Hồ phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ cổ vũ tuyên truyền cuộc kháng chiến; năm 1946, ông là Trưởng ban Tuyên truyền của Tỉnh ủy, đồng thời là Trưởng ty Thông tin tuyên truyền đầu tiên của tỉnh Tân An.

Ông có công lập nhà in và làm Chủ nhiệm báo Nhứt Trí – cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Đảng bộ tỉnh Tân An.

Năm 1948, với năng lực lãnh đạo và tài hoa đang lên, ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ tổ chức cơ sở in giấy bạc cho Nam bộ (giữ chức vụ Phó ban Ấn loát đặc biệt Nam bộ), đồng thời được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.

Năm 1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ chính thức cử ông làm Giám đốc xưởng in tín phiếu cho chiến trường Nam bộ (cơ quan in giấy bạc của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa).

Vừa lãnh đạo, công tác và sáng tác, liên tục mấy năm, ông vẽ và được đem in hàng chục ngàn bản tranh cổ động kháng chiến phổ biến rộng rãi ở Nam bộ, được cán bộ, chiến sĩ và đồng bào rất ưa thích. Từ năm 1950 đến 1954, ông là Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Nam bộ, Trưởng ngành Hội họa Nam bộ, Trưởng phòng Họa - Ảnh – Xuất bản của Sở Thông tin Tuyên truyền Nam bộ (rồi Sở Tuyên truyền Văn nghệ Nam bộ, 1953 – 1954).

Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Năm 1950, ông được Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ tặng thưởng Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ về thành tích tổ chức cơ sở in bạc, năm 1951 nhận Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long, năm 1954 nhận Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ lần thứ hai về thành tích công tác Tuyên văn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Huỳnh Văn Gấm tập kết ra miền Bắc và công tác ở Ban Mỹ thuật ngành Văn nghệ Trung ương. Năm 1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.

Tác phẩm tranh sơn mài Chống bắt lính ở miền Nam của ông (sáng tác năm 1958) 2 lần tham gia triển lãm các nước XHCN tại Liện Xô và Đông Âu đều nhận được sự hoan nghênh. Năm 1960, Huỳnh Văn Gấm về Nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa, tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm “để đời”: Đọc sách, Nam Kỳ khởi nghĩa, Bản Cò My – cả 3 tác phẩm này dự triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960 và đều nhận giải nhất.

Với các tác phẩm sơn mài: Bác Hồ thời thơ ấu, Ngô Gia Tự, Võ Thị Sáu, Em Liên, Ngày chủ nhật (1962), Trái tim và nòng súng (1963),… người họa sĩ cách mạng để lại dấu ấn sâu đậm, mang phong cách chiến đấu, hiện thực và lãng mạn, luôn hướng về miền Nam quê hương.

Năm 1964, Huỳnh Văn Gấm được cử phụ trách sáng tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, tham gia vẽ mẫu giấy bạc cho Ngân hàng Việt Nam và trở thành thành viên Ban lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam. Làm công tác lãnh đạo văn nghệ, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tác.

Năm 1968, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và là Ủy viên Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam, được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cử làm đại diện đi dự Đại hội Văn hóa ba châu Á – Phi – Mỹ La tinh tổ chức tại La-ha-ba-na (Cu Ba).

Với vóc người cao, gương mặt sáng đầy nghị lực, tài hoa, ông để lại trong đồng nghiệp và bầu bạn quốc tế ấn tượng đẹp về một nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng, 15 năm trên cương vị Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam và mấy năm làm Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật, Huỳnh Văn Gấm tiếp tục thể hiện năng lực lao động sáng tạo, tỏa sáng trên cả 3 mảng: Hội họa, tranh sơn dầu, tranh cổ động.

Các bức sơn dầu Trên mỏ than Đèo Nai (1968) và tranh cổ động: Thừa thắng xông lên, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Sống-chiến đấu-lao động-học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại (1970),… được phổ biến, đã lan tỏa, tạo ý thức và tình cảm cách mạng sâu đậm trong nhân dân.

Huỳnh Văn Gấm qua đời tại TP.HCM ngày 10-2-1987, khi đó, ông được Hội Liên hiệp Nghệ thuật Việt Nam đánh giá là “Người nghệ sĩ tài năng để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong kho tàng nghệ thuật dân tộc”.

Cuộc đời gặp nhiều khó khăn, nhưng người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng Huỳnh Văn Gấm luôn sống hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, cách mạng và nhân dân giao. Cùng với các tên tuổi: Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu,… Huỳnh Văn Gấm là một trong số gương mặt tiêu biểu của giới Mỹ thuật cả nước được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào cuối những năm 1990 của thế kỷ XX. Ông được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tạc tượng hiện đặt trang trọng tại Bảo tàng Long An./.

Long Thái

Chia sẻ bài viết