Sáng 1/11, Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI chính thức khai mạc trọng thể. Tới dự và chỉ đạo Đại hội có các vị lãnh đạo Trung ương: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt.
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI.
Dự đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam. Các đoàn đại biểu của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình. Các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và đại biểu công dân Thủ đô ưu tú. Nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố qua các thời kỳ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV.
Tham dự Đại hội có 495 đại biểu tiêu biểu đại diện cho hơn 39 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ Thành phố.
Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố (2010-2015); nhìn lại 30 năm đổi mới ở Thủ đô; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2015-2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy khóa XV và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI.
Phát biểu diễn văn khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ Đảng bộ Thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vị trí vai trò trách nhiệm của Thủ đô- Trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học giáo dục, kinh tế giao dịch quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu diễn văn khai mạc Đại hội.
Nhìn lại quá trình phấn đấu Đảng bộ và nhân dân Thủ đô vui mừng trước những thành tựu tiến bộ đã đạt được kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; Phát triển nông nghiệp nông thôn có nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị -xã hội trên địa bàn luôn ổn định. An ninh quốc phòng, đối ngoại được củng cố tăng cường. Công tác xây dựng chính quyền, Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới và đạt được kết quả quan trọng. Vai trò vị thế của Thủ đô với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ngày càng nâng cao.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những tiến bộ, Đảng bộ Hà Nội còn không ít hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, điều hành. Cũng như những khó khăn bất cập, áp lực trong quá trình phát triển.
Báo cáo chính trị trình Đại hội do Ủy Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trình bày nêu rõ, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế của Trung ương trong giai đoạn vừa qua, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, nổi bật: 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước . Quy mô GDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm đạt trên 1 triệu 400 ngàn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 1.080 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư đạt kết quả tích cực, nhất là lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. 5 năm 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.Chi ngân sách địa phương gần 273 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 7,7%/năm, bảo đảm cân đối chi thường xuyên và ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển. Trong đó, chi đầu tư phát triển bằng 45,04%, chi thường xuyên bằng 52,38% tổng chi ngân sách.
Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Đồng thời, Thành phố chủ động phát huy nội lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt kết cấu thép…
Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015.
Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn Thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%). Việc dồn điền, đổi thửa đạt trên 97% những diện tích có thể dồn điền đổi thửa, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trình bày Báo cáo chính trị.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân yếu kém của nhiệm kỳ vừa qua như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; trong số 19 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội XV. Công tác Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Phát triển văn hóa - xã hội chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả mong muốn. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị có mặt chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chất lượng của không ít cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm đòi hỏi sự nghiệp đổi mới. Những biểu hiện suy thoái trong Đảng, trong xã hội, nhất là về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Cụ thể: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ TP Hà Nội, tập trung vào đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào Năm nhiệm vụ chủ yếu, ba khâu đột phá, hướng đến năm 2020: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%, GRDP bình quân/người: 140-145 triệu đồng (tương đương 6.700-6.800 USD). Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới: 70-75% tổng số xã (tăng thêm 110-130 xã so với năm 2015).../.
Đỗ Hưng/VOV.VN