Tiếng Việt | English

14/02/2019 - 19:27

'Không để người dân giảm niềm tin vào đội ngũ Quản lý thị trường'

Tại buổi thăm và làm việc với Tổng Cục Quản lý thị trường chiều 14/02 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị phải xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, vừa hồng vừa chuyên.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kiên quyết chặn "tham nhũng vặt"

Theo Phó Thủ tướng, năm 2019, tình hình buôn lâu, vi phạm gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để xử lý hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chân chính phát triển đòi hỏi lực lượng Quản lý thị trường phải tập trung vào công tác đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, ứng dụng công cụ quản lý hiện đại, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống lừa đảo và nắm bắt thông tin một cách hiệu quả.

Phó Thủ tướng lưu ý, Tổng cục Quản lý thị trường cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 tại các địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 41 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

"Đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn hàng năm," Phó Thủ tướng lưu ý.

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ, nắm vững các diễn biến, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện vấn đề nổi cộm.

Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng này cần rà soát những bất cập để kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để nhanh chóng ổn định tổ chức; bố trí, sắp xếp nhân sự đúng người đúng việc, bổ nhiệm cán bộ giỏi, có năng lực, phẩm chất, có kinh nghiệm cho các vị trí lãnh đạo tại Tổng cục.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy sắp xếp đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đề ra. 

"Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt, không để người dân, doanh nghiệp bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức Quản lý thị trường,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Buôn lậu vẫn rất nóng bỏng

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trong năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 150.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng, ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92 tỷ đồng.

Mặc dù đã nỗ lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song do mới chính thức đi vào hoạt động được 4 tháng, việc bổ nhiệm chưa hoàn thiện, theo ông Linh, Tổng Cục Quản lý thị trường còn gặp nhiều khó khăn trong công tác nhân sự, trong thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô.

Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến thương mại điện tử phát triển nhanh song đây cũng là thách thức đối với lực lượng Quản lý thị trường bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Tổng cục hiện nay vẫn còn lạc hậu, không có cơ sở dữ liệu riêng như các đơn vị khác.

Đáng chú ý, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, khung khổ pháp luật còn chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh khiến cho hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả.

"Hiện nay đã thành lập được 48/63 Cục Quản lý thị trường, ngoài ra, Tổng cục cũng tập trung vào công tác nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, xây dựng chính sách pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông," lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, cuộc chiến chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật còn nhiều cam go. Nhất là trong thời đại thương mại điện tử phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay và “đây là mặt trận rất nóng bỏng.”

Kiến nghị tới Phó Thủ tướng, ông An mong rằng Chính phủ tạo điều kiện cho Tổng cục Quản lý thị trường có thêm cơ sở vật chất cũng như phương tiện đi lại, trang thiết bị chuyên dụng, nhằm nâng cao hiệu quả chuyên môn.

“Dù khó khăn đến mấy, khi chưa được khắc phục, Bộ Công Thương vẫn thực hiện hiệu quả các công tác, ít nhất như ngày trước," ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết