Sáng nay (21/3), Kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, do đó, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Dành quá nửa thời gian kiện toàn nhân sự
Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 4 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất, nhập khẩu (sửa đổi).
Quốc hội sẽ dành khoảng hơn 4 ngày để xem xét, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) và quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020...
Một trong những nội dung trọng tâm tại kỳ họp cuối cùng của khoá XIII là Quốc hội sẽ bầu các chức danh lãnh đạo Nhà nước
Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành hơn 10 ngày, từ ngày 31/3 - 12/4 để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, trong đó có các chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Giải thích lý do Quốc hội kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước ngay tại kỳ họp 11 mà không để sang kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt không tái cử Ban Chấp hành Trung ương; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong khi đến tháng 7/2016, Quốc hội khoá XIV mới họp.
Đây là thời gian khá dài, trong khi 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, do đó, cần kiện toàn chức danh để tạo tinh thần, khí thế mới thực hiện tốt năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm.
Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đồng thời thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Cử tri theo dõi trực tiếp báo cáo nhiệm kỳ
Do là kỳ họp cuối cùng của Khoá XIII nên Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016. Các phiên thảo luận về những báo cáo này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Dự thảo báo cáo của Quốc hội nêu rõ, Quốc hội khoá XIII nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, bám sát thực tiễn triển khai thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả trong lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; tạo niềm tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
Một trong những điểm nhấn là sửa đổi, ban hành Hiến pháp 2013 để cương lĩnh của Đảng đi vào đời sống. Tinh thần Hiến pháp đảm bảo mở rộng quyền dân chủ của nhân dân, Nhà nước pháp quyền được tăng cường, quyền con người, quyền công dân đảm bảo, từ đó xây dựng, hoàn thiện các bộ luật.
Góp ý vào dự thảo báo cáo tại phiên họp 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thành công nhất của khoá XIII là hoạt động của Quốc hội được nhân dân ủng hộ, đồng tình. Thông qua Quốc hội có hoạt động của Đảng, Nhà nước đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đánh giá, vai trò Quốc hội ngày càng rõ. Tính công khai, minh bạch trong quyết định của Quốc hội nâng cao, được nhân dân cả nước đồng tình. Các quyết định thực chất hơn, buộc phải chấp hành, hiệu lực được thực thi nghiêm túc.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động; rút ra bà học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiểu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.
Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện đầy đủ vai trò theo quy định của Hiến pháp
Về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, nhiều ý kiến khẳng định đã thực hiện đầy đủ vai trò theo quy định của Hiến pháp; hình ảnh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thể hiện sự gương mẫu của người đứng đầu Nhà nước, giản dị, gần gụi, yêu nước; Bảo đảm giữ vững nguyên tắc hiến định trong bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, chế độ XHCN và ổn định chính trị.
Với trách nhiệm thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước chăm lo tăng cường tiềm lực quốc phòng; động viên lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu.
Việc mở rộng đối ngoại có chọn lọc; có nhiều ý kiến kịp thời với Quốc hội, Chính phủ về chiến lược quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng luật pháp...
Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo cần làm rõ một số vấn đề như hiệu quả cải cách tư pháp; đề xuất ý kiến hoàn thiện thể chế; tổng kết công tác đặc xá... cũng như nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế.
Với Chính phủ, trong nhiệm kỳ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, luật định; khẳng định được vai trò cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; thực hiện quản lý nhà nước thống nhất về tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương thực hiện đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.
Ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, nhiệm kỳ qua đã xây dựng Chính phủ, chính quyền gần dân, sát thực tiễn, nhanh nhạy và giải quyết được vấn đề bức xúc của đất nước, của vùng miền.
Tuy vậy, báo cáo cần làm rõ hơn, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, qua các lần chất vấn và Quốc hội yêu cầu thì Chính phủ giải quyết được bao nhiêu và dứt điểm vấn đề gì? Bởi làm rõ những vấn đề này sẽ chỉ ra được nguyên nhân, góp phần rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội./.
Ngọc Thành/VOV.VN