Tiếng Việt | English

09/07/2020 - 08:50

Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX: Thảo luận giải pháp khôi phục phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 08/7/2020, HĐND tỉnh Long An khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) khai mạc Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp lệ giữa năm 2020). Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang và Mai Văn Nhiều chủ trì.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh gợi ý thảo luận tại hội trường

Vượt khó thực hiện nhiệm vụ

6 tháng đầu năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, nhất là hạn, xâm nhập mặn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh chỉ đạt 1,12%. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, thực sự trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng đạt 2,75%. Thu ngân sách nhà nước đạt 7.930 tỉ đồng (đạt 46,9% dự toán HĐND tỉnh giao).

6 tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, thực sự trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh

Hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước phục hồi. Sản xuất công nghiệp được duy trì, cơ bản ổn định và dần vượt qua giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách hỗ trợ người dân và các thành phần kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được triển khai, thực hiện kịp thời, chủ động. Đời sống người dân vẫn được bảo đảm. An ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, theo nhận định của HĐND tỉnh, KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, một số nhiệm vụ chậm tiến độ, nhiều chỉ tiêu giảm sâu so cùng kỳ. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị, đại biểu HĐND tập trung thảo luận, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với tình hình 6 tháng cuối năm để cùng quyết tâm thực hiện đạt ở mức cao nhất, chất lượng nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó có Long An. Vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Trước Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX, 14/14 tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức họp, thảo luận đóng góp các nội dung trình tại kỳ họp. Về cơ bản, các tổ đại biểu thống nhất cao nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết do Thường trực, các ban của HĐND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 21. Bên cạnh đó, các tổ đại biểu tiếp tục kiến nghị về bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19,...

Liên quan đến vấn đề quy hoạch và đầu tư hạ tầng, Tổ đại biểu HĐND huyện Bến Lức đề nghị tỉnh xem xét việc quy hoạch các dự án (DA) khu dân cư. Vì trong chương trình xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có nhiều khu dân cư nhưng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… còn nhiều DA chưa hoàn chỉnh, “cung nhiều hơn cầu” dẫn đến tình trạng các công ty chủ yếu đầu tư bất động sản, gây lãng phí tài nguyên đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho biết, UBND tỉnh đang triển khai lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch theo hướng tích hợp tất cả các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh và quy hoạch phát triển KT-XH cấp huyện vào một quy hoạch và sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch tỉnh sẽ bố trí lại không gian phát triển hợp lý hơn giữa các ngành, lĩnh vực, trong đó có việc phát triển đô thị, dân cư và sẽ là căn cứ để tiếp nhận đầu tư hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo Tổ đại biểu huyện Cần Giuộc, thời gian qua, tỉnh có nhiều cố gắng trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng hiệu quả chưa cao. Cơ quan chức năng chậm tham mưu giải quyết, cụ thể là trong việc điều chỉnh hệ số hỗ trợ người dân trong thu hồi đất (hiện nay mức hỗ trợ hệ số 0,4).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Út thông tin, UBND tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành tham mưu để thực hiện. Do chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ban hành triển khai, thực hiện liên quan lớn đến lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp thực hiện DA đầu tư trên địa bàn tỉnh, do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lấy thêm ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích.

Các tổ đại biểu cho rằng, trước mắt, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Thảo luận tại hội trường, Tổ đại biểu huyện Cần Đước cho rằng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn, lao động bị mất việc làm cũng cần được hỗ trợ. Tổ đại biểu đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương, đồng thời kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh này tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để khôi phục phát triển sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy (đơn vị huyện Cần Đước) kiến nghị về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngoài những vấn đề trên, có tổ đại biểu đề nghị tỉnh cần có những giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất, tức là giá trị tăng thêm lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác. Đây cũng là định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy không đưa chỉ tiêu sản lượng lúa vào các chỉ tiêu chủ yếu của Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những nơi có điều kiện (trên cơ sở đã bảo đảm đủ diện tích đất trồng lúa theo chủ trương an ninh lương thực của Trung ương) phù hợp với yêu cầu thị trường.

Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, ban hành nhiều quyết sách quan trọng như dự kiến kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 và năm 2021; cho chủ trương thực hiện một số DA giao thông, giải phóng mặt bằng; cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất; quyết định các vấn đề liên quan đến phí, lệ phí, mức thu học phí, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người; chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở;…

Đây đều là những vấn đề rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến người dân và sự phát triển của địa phương. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đối chiếu kỹ với các quy định của Trung ương gắn với tình hình thực tế địa phương; đồng thời, cân nhắc sự tác động của từng quyết định đến người dân và các đối tượng liên quan, khả năng nguồn lực thực hiện, tính khả thi của các phương án, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh./.

Ngày 09/7/2020, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2 và bế mạc kỳ họp. Theo chương trình, Thường trực HĐND tỉnh trình kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh trước và sau Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp lệ cuối năm 2019). Chủ tịch HĐND tỉnh sẽ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn (tập trung theo nhóm vấn đề). Dự kiến, kỳ họp sẽ thông qua 27 nghị quyết về KT-XH. HĐND tỉnh cũng sẽ quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền. Chương trình ngày làm việc thứ 2 sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết