Tiếng Việt | English

07/11/2019 - 08:53

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề “sát sườn” được người dân quan tâm

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, khai mạc ngày 21/10/2019 và dự kiến làm việc trong 23 ngày để bàn nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống được người dân rất quan tâm...

Nhiều ý kiến của người dân đề nghị giữ nguyên giờ làm việc như hiện nay. Ảnh minh họa: Kỳ Nam

Anh Nguyễn Tấn Phát, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An: 

Qua theo dõi kỳ họp thứ 8, tôi quan tâm nhiều đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo tờ trình của bộ, có 2 phương án: Đó là giao Chính phủ quy định giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Đối với cơ quan Nhà nước cấp Trung ương và các đô thị lớn là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút. Đối với cơ quan Nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý. Phương án 2 của tờ trình được giữ như hiện hành. Theo đó, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà nêu tại các văn bản hành chính; đối với các bộ do Thủ tướng quyết định; đối với UBND và các cơ quan chuyên môn do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đổi giờ, song phải phù hợp với từng vùng, miền. Nếu được, nên có sự điều chỉnh đổi giờ học đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học. Bởi vì hiện nay, các cháu phải đến trường trước 7 giờ nên thường phải thức dậy rất sớm.

Ông Nguyễn Văn Hợ, ngụ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An:

Tại kỳ họp này, có đại biểu Quốc hội đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu đổi giờ học, giờ làm lên 8 giờ 30 hoặc 9 giờ, nghỉ trưa 1 tiếng. Tôi cho rằng, vấn đề này rất khó để áp dụng khung giờ chung của cả nước. Bởi vì hiện nay, khí hậu giữa các miền có sự khác nhau. Hiện ở phía Bắc làm việc từ 8 giờ nhưng phía Nam là 7 giờ hoặc 7 giờ 30. Như ở TP.Tân An hiện nay, tôi cho rằng, giờ làm việc của khối hành chính như vậy là rất hợp lý, không cần thiết phải đổi giờ làm lên 8 giờ 30 hoặc 9 giờ. Đơn giản vì thời tiết ở đây nóng, nếu thay đổi giờ làm như đại biểu yêu cầu sẽ dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Hơn nữa, nhiều năm nay, người dân chúng tôi cũng quen khung giờ như trên. Vì vậy, nếu nhất thiết phải đổi giờ làm việc, Quốc hội cũng nên cân nhắc để có sự phù hợp giữa các vùng, miền và giữa các thành phố, đô thị lớn.

Chị Trần Thị Cẩm Tú, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An: 

Tại kỳ họp, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Gạo - nông sản chủ lực của nước ta khi xuất khẩu có giá trị thấp và có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu; thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay tập trung nhiều là Trung Quốc và xuất qua đường tiểu ngạch; nhiều mặt hàng nông sản nước ta đang nhập khẩu trùng với những nông sản mà nông dân trong nước sản xuất được;... Tôi cho rằng, đây là những ý kiến rất hay và cần được xem xét thấu đáo để giúp nông nghiệp có thể phát triển bền vững và nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Ngoài ra, tôi cũng mong các ngành chức năng cần sớm tìm ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn đối với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất của một số địa phương trong thời gian qua.

Ông Võ Văn Thành, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: 

Ngoài thảo luận các vấn đề về phát triển KT-XH, tại kỳ họp này, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về chính sách đối với người có tài năng, phương thức tuyển dụng công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cũng như việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu,... Theo tôi, đây đều là những vấn đề rất quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa có thể thu hút được nhân tài vào phục vụ các cơ quan công quyền, vừa nâng cao hoạt động của hệ thống chính trị. Qua đó, tôi cũng đồng ý với quan điểm của một đại biểu ở Lạng Sơn là cần có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công khai, minh bạch và cạnh tranh; cơ chế đánh giá cũng cần xem xét phân loại thực chất gắn với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sai phạm cũng cần được thực hiện nghiêm túc hơn, với những biện pháp mạnh hơn để tạo sự răn đe, không thể để nhiều cán bộ vi phạm như thời gian qua nhưng mức xử lý vẫn chưa tương xứng với hậu quả để lại./.

Nguyệt Nhi - Kỳ Nam (ghi)

Chia sẻ bài viết