Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 23/11, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trực tiếp truyền đạt nội dung Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.”
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn coi trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu, đề cập nhiều lần trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Ông Phạm Minh Chính nêu rõ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là nhóm giải pháp về phê bình, tự phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ là hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và bí thư cấp ủy các cấp.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp;" thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) Bộ Chính trị ban hành Quy định 55 về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên."
Ông Phạm Minh Chính cho biết quá trình thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên sau khi ban hành hai nghị quyết này bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tham nhũng tiêu cực.
Đặc biệt trong công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần quan trọng vào thực hiện những nhiệm vụ to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc, đưa đất nước ta tiến lên. Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh có được những thành quả đó là nhờ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện các phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có nêu gương.
Tuy nhiên, nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn có hạn chế nên kết quả chưa được như mong muốn; một số cán bộ đảng viên cấp chiến lược chưa thực sự gương mẫu, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, thậm chí vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Ông Phạm Minh Chính cho biết, trong 2 năm gần đây, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có một số đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái. Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo ủy ban kiểm tra cùng cấp làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên cả đương chức, nghỉ hưu và trong lực lượng vũ trang, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng...
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh hiện nay đất nước đang bước sang một giai đoạn mới, bên cạnh những thời cơ thuận lợi cũng có không ít những khó khăn, thách thức như sự chống phá của các thế lực thù địch trong đấu tranh tư tưởng, bôi nhọ Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng… Trong bối cảnh như vậy, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có vấn đề nêu gương, trách nhiệm nêu gương trước hết là của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tăng cường trách nhiệm nêu gương của các cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ được giao và góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, việc ban hành Quy định nêu gương trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết - ông Phạm Minh Chính nêu rõ.
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải ngang tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm; nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra nhằm giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm, khắc phục những hạn chế, yếu kém của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Quy định vừa phải khái quát cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, dễ nhớ, dễ kiểm tra; đảm bảo sự đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan, không để các thế lực thù địch lợi dụng sơ hở chống phá Đảng; kết hợp hài hòa giữa nội dung “xây và “chống,” trong đó “xây” là chủ đạo.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nội dung cơ bản của Quy định gồm 4 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung của Quy định 101 và Quy định 55 có tham chiếu các tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ được đề cập trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, nhất là Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Nội dung nêu gương được khát quát thành 8 điểm xây và 8 điểm chống, được phản ánh trên các mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình, quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Qua việc thực hiện nghiêm túc quy định, góp phần đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương./.
Theo TTXVN