Tiếng Việt | English

28/01/2022 - 11:00

Lai rai chuyện cọp

Đón năm Nhâm Dần cầm tinh con Cọp, xin kể vài chuyện cọp từ buổi xửa xưa. Ở Long An còn đó 2 “mả cọp” - gọi vậy chớ không phải chôn cọp mà chôn người bị cọp vồ chết tại Khánh Hậu, TP.Tân An và chuyện Bà Hớn Bà Hở ở Bình Thuận, Cần Đước, đánh cọp cứu người; chuyện cọp cái ở Sân Chầu, Tân Trụ, hay dẫn bầy cọp con vào làng bắt gia súc và người để ăn thịt, khiến dân làng sợ, phải đem thịt heo, thịt bò sống ra cúng cho bầy chúa sơn lâm ấy xơi để dân làng được yên ổn sinh sống. Chỗ cúng ấy gọi là Sân Chầu (không cùng nghĩa sân chầu ở cung đình Huế). Ấy là cọp thời khẩn hoang…

Nên duyên nhờ…cọp

Về Bình Định dự lễ hội Chiến thắng Đống Đa mùng 5 Tết Cổ truyền, lần nào tôi cũng được nghe kể chuyện cô gái tuổi trăng tròn phong độ con nhà võ, mồ côi từ lọt lòng mẹ, được cha nuôi dưỡng, lớn lên với nghề học võ và săn thú để có món ngon bồi bổ cho cha.

Sớm xuân miền sơn cước năm ấy, sương mù lạnh buốt. Cô băng rừng vào bãi săn. Chợt cô dừng lại trước một vạt rừng cày nát, một chàng trai với bộ võ phục trắng nhuộm máu tươi kiệt sức trước một con cọp rất to, thân dài hơn ba thước đang hung hăng gầm thét, đập đuôi tung cú vồ vào chàng trai.

Bất giác, cô bay người lên đá song phi trúng ngay đầu cọp. Cọp lộn nhào xuống đất, gầm lên dữ dội. Rồi nó đập đuôi, 2 chân trước cào đất thét lên giận dữ và tung cú vồ chết người vào cô gái. Cô né đòn khiến cọp hụt hẫng té lộn nhào. Rồi nó thở hồng hộc tung những cú vồ liên hoàn khiến cô gái phải né tránh bằng nhiều tư thế rồi cô hét lên với một nhát kiếm tuyệt chiêu cắm phập vào đầu mãnh hổ khiến nó gầm thét và cắm đầu chạy biến vào rừng, để lại những dấu chân rắc đầy máu.

Thiếu nữ không truy sát cọp mà chạy tới cứu chàng trai bị vuốt cọp làm mất máu rất nguy kịch. Cô xốc nạn nhân lên lưng, chạy gần một cây số về nhà để thuốc thang cứu chữa. Rồi tráng sĩ hồi phục sức khỏe, tạ từ thiếu nữ, ra đi...

Trước đó, trên đường tuyển quân về khuya, chàng khát nước. Vừa bước tới con suối, bất ngờ con cọp xuống suối uống nước vừa quay lên, thấy mồi là vồ ngay khiến chàng trở tay không kịp. Ba năm sau, thiếu nữ tới tuổi cập kê, cha cô bèn dựng võ đài kén rể.

Sau 2 ngày tỉ thí, không võ sĩ nào xứng đáng với nàng. Sau cùng, một tráng sĩ cầm thanh kiếm đĩnh đạc lên võ đài. Cuộc tỉ thí tay đôi kiếm thuật diễn ra từ sáng đến chiều vô cùng ngoạn mục, lôi cuốn dân khắp vùng gần, xa đến xem.

Những tràng vỗ tay tán thưởng chỉ lắng xuống khi hồi trống giòn giã của người cha già nổi lên. Rồi lão trượng nâng dùi xá chào mọi người, cười khà vui sướng vì với con mắt tinh đời, lão đã thấy “con gái rượu” cố ý nhường một đường kiếm cho đối thủ. Thế là, Bùi lão trượng đứng ra tác hợp cho đôi trẻ - tân lang là Trần Quang Diệu bị cọp vồ năm nọ và tân giai nhân là Bùi Thị Xuân - người hạ gục mãnh hổ, cứu Trần Quang Diệu.

Cưới xong, hai vợ chồng từ biệt cha già, đi đầu quân Tây Sơn rồi cùng trở thành 2 hổ tướng trụ cột của nhà Tây Sơn - cùng chủ soái Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, sau đó là đại thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

Trong nhận thức tâm linh của cư dân Nam bộ, hổ là vị “chúa sơn lâm” cai quản vùng rừng núi, ngự trị muôn loài (Ảnh: Thanh Nga)

Tay ngang hạ gục mãnh hổ

Chàng Lía người Bình Định, sống thời chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan âm mưu hãm hại, đoạt lấy quyền bính, vơ vét hết quốc khố và không còn một thứ gì đáng giá của người dân để làm của riêng; vàng bạc chất đầy nhà, đầy sân...

Chàng Lía mồ côi cha, sống với mẹ già yếu, nghèo khổ... Một hôm, Lía đi lang thang trong rừng, bỗng nghe tiếng người và cọp đánh nhau. Lía đến, thấy một lão trượng râu tóc bạc phơ đang tay không quần thảo với một con cọp vện rất to và dữ. Khi 2 đấu thủ đang ghìm nhau dừng trận, Lía chợt đi vòng ra sau đít cọp, rồi nhún chân nhảy vọt lên lưng cọp. Hai chân Lía như hai gọng kìm thít chặt hai bên hông cọp; hai tay Lía ôm siết cổ cọp. Cọp giẫy giụa, cào lở cả một vùng đất, cây cối đổ ngã cũng không hất được Lía; cọp càng cố sức chống trả, Lía càng đeo chặt, siết mạnh hơn khiến cọp hụt hơi, nghẹt thở, lịm dần và tắt thở...

Lía vác xác cọp lên vai và cùng lão trượng về nhà gặp mẹ. Lão trượng vốn là võ tướng triều Lê mạt, chán cảnh chúa Trịnh lộng quyền, lão từ quan về ngao du sơn thủy, rồi... gặp cọp. Thấy Lía nhỏ con mà có sức mạnh phi thường nhưng thiếu võ nghệ, lão xin mẹ Lía cho Lía theo lão về núi học võ. Lía học rất sáng, học một biết mười, tinh thông đao kiếm côn quyền.

Đặc biệt, Lía luyện được thuật phi thân có thể nhảy từ nóc nhà này qua nóc nhà nọ, đứng đỉnh núi nọ nhảy sang đỉnh núi kia một cách dễ dàng. Khi lão trượng qua đời, Lía chôn cất sư phụ xong thì xuống núi, bất chợt gặp đám lâu la chặn đường đòi tiền mãi lộ, Lía cười, vụt cho mấy roi, cả đám bò lăn bò càn về sơn trại ở Truông Mây. Trại chủ là cha Hồ, chú Nhẫn liền vác đại trường đao ra đánh Lía. Lía vung côn một cái, cả hai đại trường đao đều văng ra xa.

Cha Hồ, chú Nhẫn bái phục, mời Lía lên sơn trại, mở tiệc thết đãi và tôn Lía làm Đệ nhất Trại chủ. Lía nói với bọn cha Hồ, chú Nhẫn về loạn thần Trương Phúc Loan đẻ ra cường hào ác bá nhiễu loạn, vơ vét tài sản của dân. Vậy chỉ được cướp của bọn ấy để phân phát lại cho dân nghèo. Từ đó, bọn tay chân Trương Phúc Loan đều “co vòi” trước hiệp sĩ Chàng Lía!

Hơn 40 năm trước, tôi đi tìm tư liệu ở Tân Uyên (nay thuộc Bình Dương), nghe các cụ cựu chiến binh từng làm lính của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, kể chuyện cọp ba móng gây kinh hoàng cho quân và dân khắp một vùng núi rừng, làng bản miền Đông. Cọp này ghiền thịt người, rất tinh quái, thoắt hiện ở đâu là vồ người ở đó. Hơn trăm con người vì cọp ba móng mà mất mạng. Các loại bẫy đưa ra cũng vô hiệu với nó.

Xem phim tư liệu lịch sử Vó ngựa trời Nam, thấy ở rừng miền Đông có cô gái hay cưỡi ngựa đi theo tư lệnh Huỳnh Văn Nghệ. Khi Tám Nghệ một mình tay không đi vào hang ổ của “hùm xám” Bình Xuyên Bảy Viễn, lúc trở về thì cô gái kia đã bị cọp ba móng ăn thịt, chỉ tìm được mấy mảnh vải vấy máu bên bờ suối. Huỳnh Văn Nghệ liền sai Bùi Cát Vũ (sau này là thiếu tướng, nhà văn) đặt bẫy chất nổ tiêu diệt cọp ba móng.

Bùi Cát Vũ đã dùng 4 trái mìn gài vào một người bị cọp ba móng vồ, chưa ăn hết, được người thân hiến xác. Đêm ấy, con ác thú mò tới bẫy, liền hứng cùng lúc 4 trái mìn nổ banh xác. Thế mà nó vẫn còn gào rống, cố lết đi cho tới một loạt đạn bắn ngay đầu nó, nó mới chịu gục hẳn.

Cọp dù dữ thế nào rồi cũng bị trí khôn con người chinh phục. Nhiều con cọp tỏ ra ngoan ngoãn, thân thiện khi nhà chuyên môn thuần hóa, ve vuốt nó. Ngày nay, cọp có tên trong Sách Đỏ thế giới. Ai mà nuôi cọp, giết cọp để nấu cao hổ cốt chẳng hạn, đều bị bỏ tù. Pháp luật đã quy định phải bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật quý hiếm, trong đó có cọp./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết