Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.
Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày tại phiên họp, các nhóm vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau gồm về giống và sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, chăn nuôi động vật hoang dã, chăn nuôi động vật cảnh và phúc lợi cho vật nuôi.
Góp ý vào dự án Luật, liên quan đến vấn đề nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề Dự án Luật Chăn nuôi có quy định về việc yêu cầu tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Tuy nhiên, tại một số điều khác trong dự án Luật cũng có các quy định về công bố. Do đó, nhiều ý kiến băn khoăn về việc các sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có cần tuân theo quy trình tại một số điều này hay không?
Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc trong cách dùng từ, giải thích cụ thể khái niệm “Phúc lợi vật nuôi,” bởi đây là một khái niệm lạ, khiến nhiều người khó hiểu. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng nội dung về “quyền vật nuôi” được thể hiện còn chưa đầy đủ, khái niệm “đối xử nhân đạo với vật nuôi” vẫn mang tính trừu tượng, chưa bao quát hết được vấn đề và đề nghị Ban soạn thảo tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để quy định phù hợp hơn.
Đồng tình với quan điểm về việc cần thiết chỉnh sửa từ ngữ tại Mục 4 về “Phúc lợi cho vật nuôi,” Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề xuất ý kiến cần quan tâm tới vấn đề phòng, trị bệnh cho vật nuôi bên cạnh việc chú trọng vấn đề chuồng trại, thức ăn, nước uống.
Ông Hà Ngọc Chiến khẳng định thực tế nhiều năm qua cho thấy, thời gian rét đậm rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, gây hậu quả lớn hơn cả dịch bệnh. “Mỗi tỉnh hàng năm mất vài chục ngàn con trâu, bò, ngựa..., khiến nhiều hộ mới thoát nghèo quay trở lại là hộ nghèo,” ông Chiến cho biết.
Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi vấn đề này cũng khá lớn. Vì vậy, ông Hà Ngọc Chiến đề nghị bổ sung thêm nội dung về phòng chống rét đậm rét hại vào dự án Luật, đồng thời có chính sách cụ thể trong phòng, chống biến đổi khí hậu nói chung đối với vật nuôi.
Khẳng định đây là dự án Luật hết sức quan trọng, sẽ góp phần quyết định sự phát triển của ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, đối tượng, chuỗi sản xuất khép kín từ giống, thức ăn, điều kiện chăn nuôi, chất thải, chế biến, kinh doanh thực phẩm chăn nuôi cho phù hợp điều kiện của Việt Nam, trong đó có xét tới yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng sản xuất sạch.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ và cụ thể hơn các chính sách, đồng thời có đánh giá tác động khi ban hành chính sách. Đặc biệt với những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, cần xây dựng nội dung trên cơ sở phù hợp với điều kiện pháp luật, tình hình thực tế, tránh tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở sản xuất, làm tăng chi phí kiểm nghiệm, công bố sản phẩm; làm rõ và minh bạch hơn các quy định về quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát, tránh gây phiền hà cho người dân và các tổ chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quy định về vấn đề chất thải chăn nuôi cần thể hiện tính chặt chẽ. Không chỉ chất thải từ vật nuôi mà chất thải từ vật nuôi bị chết hoặc chất thải từ việc giết mổ cũng cần được quản lý, tránh gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do không được xử lý, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Từ những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan thẩm tra, soạn thảo, rà soát lại tất cả những vấn đề liên quan đến sự thống nhất của dự án Luật Chăn nuôi với hệ thống pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, khả thi.
Cũng trong phiên họp sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)./.
Theo TTXVN