Tiếng Việt | English

11/04/2025 - 10:43

'Liên minh tự nguyện' thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine

Theo giới chức quân sự, lực lượng gìn giữ hòa bình nhiều khả năng sẽ không đóng tại khu vực biên giới Ukraine-Nga mà sẽ được bố trí cách xa đường ranh giới ngừng bắn, thậm chí ngoài lãnh thổ Ukraine.

Từ trái sang: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về Ukraine ở London, ngày 02/3 (Ảnh: AP)

Ngày 10/4, khoảng 30 bộ trưởng quốc phòng từ các quốc gia thuộc “liên minh tự nguyện” đã nhóm họp tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) nhằm thúc đẩy kế hoạch triển khai lực lượng tới Ukraine thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong trường hợp nước này đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình với Nga trong tương lai.

Đây là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng quốc phòng đại diện cho nhóm liên minh, tiếp nối sau chuyến thăm Kiev của các sĩ quan quân đội cấp cao Anh và Pháp hồi tuần trước.

Cuộc họp lần này nhằm cụ thể hóa những nội dung đã được nhất trí từ các cuộc gặp cấp lãnh đạo trước đó. Mỹ không cử đại diện tham dự cuộc họp này.

Nhiều quốc gia tham dự khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ trong tiến trình thúc đẩy hòa bình tại Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Annit Häkkänen nhấn mạnh Mỹ vẫn là nhân tố then chốt trong việc đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson cho rằng thành công tại Ukraine sẽ cần Mỹ tham gia "dưới hình thức nào đó."

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans gọi sự ủng hộ của Mỹ là rất quan trọng, dù hình thức hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ cấu của phái bộ châu Âu.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Kaja Kallas, đã xác nhận các bộ trưởng đang nỗ lực duy trì sự tham gia của Mỹ trong tiến trình này.

Trong bối cảnh Mỹ kêu gọi châu Âu phải tự đảm nhận trách nhiệm an ninh, việc xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình được xem là thử thách đầu tiên đối với quyết tâm tự chủ quốc phòng của châu Âu.

Tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận hòa bình tương lai giữa Ukraine và Nga, thành phần và vị trí đóng quân của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được xác định cụ thể.

Tuy nhiên, theo giới chức quân sự, lực lượng này nhiều khả năng sẽ không đóng tại khu vực biên giới Ukraine-Nga, mà sẽ được bố trí cách xa đường ranh giới ngừng bắn, thậm chí có thể ngoài lãnh thổ Ukraine, với nhiệm vụ chính là phản ứng nhanh trước bất kỳ cuộc tấn công nào.

Nga đến nay vẫn kiên quyết phản đối sự hiện diện quân đội nước ngoài tại Ukraine.

Các quan chức Anh từng đưa ra đề xuất về một lực lượng từ 10.000 đến 30.000 binh sỹ. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn còn do dự, đặc biệt nếu thiếu sự hỗ trợ rõ ràng từ phía Mỹ.

Liên minh tự nguyện được hình thành như một sáng kiến riêng biệt nhằm tập hợp các quốc gia sẵn sàng tham gia vào một sứ mệnh chung triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine sau khi có một thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn với Nga.

Sáng kiến hình thành liên minh này bắt đầu từ Anh và Pháp - hai quốc gia đã có các chuyến thăm cấp cao đến Kiev để thúc đẩy ý tưởng. Sau đó, các nước khác như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển... đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia.

Dự kiến ngày 11/4, đại diện từ khoảng 50 quốc gia sẽ tiếp tục nhóm họp tại trụ sở NATO trong một hội nghị cấp cao khác nhằm huy động thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Hội nghị này do Anh và Đức đồng chủ trì. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth dự kiến sẽ không tham dự hội nghị này./.

Theo Vietnam+

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-tu-nguyen-thuc-day-ke-hoach-trien-khai-luc-luong-toi-ukraine-post1027042.vnp

Chia sẻ bài viết