Tiếng Việt | English

14/02/2022 - 10:29

Lợi dụng tự do ngôn luận để chống phá chính quyền

Tổng kết năm 2021, Đài Á Châu tự do và các hãng truyền thông thù địch đã không ngớt rêu rao “Chính quyền Hà Nội bị liệt vào nhóm bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới, với 23 ký giả đang phải chịu các án tù khác nhau”; “Chưa bao giờ có nhiều nhà báo và các blogger vì lợi ích cộng đồng phải ngồi tù như lúc này (ở Việt Nam)”.

Truyền thông nước ngoài xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

Vậy những nhà báo và các blogger bị “xộ khám” và bóc lịch mà RFA và các hãng truyền thông quốc tế thù địch không ngớt lời ca tụng như những anh hùng đó là ai? Xin thưa, thực chất đó là những khuôn mặt “cộm cán” nổi tiếng với các tội lợi dụng tự do báo chí “tuyên truyền chống phá Nhà nước”, trong đó có 3 phóng viên và blogger của Đài Á Châu tự do: Nguyễn Văn Hóa (chuyên dàn dựng, bịa đặt và cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung, bị tòa tuyên án 7 năm tù), Nguyễn Tường Thụy và Trương Duy Nhất (nổi tiếng với trang blog “Một góc nhìn khác”, đã cộng tác viết blog với Đài Á Châu tự do chuyên bôi đen bản chất, nói xấu chế độ) nên RFA tức tối kêu la nhân vụ việc này.

Gần đây, chính quyền đã khởi tố và bỏ tù các thành viên của nhóm “Báo Sạch”: Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh cũng với tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Rồi sau đó là Lê Trọng Hùng - “nhà báo độc lập” tự phong tại Hà Nội, về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”; “nhà báo độc lập” Huỳnh Thục Vy (Đắk Lắk) luôn rêu rao những điều bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, có hành vi xúc phạm quốc kỳ và giở nhiều chiêu trò mị dân, tuyên truyền chống phá Nhà nước; “nhà báo độc lập” Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng cũng bị tuyên y án sơ thẩm 10 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.

“Nổi đình nổi đám” nhất cái gọi là “nhà báo độc lập - nhà hoạt động cho nhân quyền Phạm Đoan Trang” tại Hà Nội, bị tuyên phạt 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước, ngày 19-01-2022 được trao giải Martin Ennals năm 2022 (giải được đặt theo tên Martin Ennals - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế). “Đây là giải thưởng hàng năm dành cho những nhà bảo vệ nhân quyền” mà thực chất là một giải thưởng nhằm cổ xúy cho những hành vi lấy danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” để đổi trắng thay đen, nói không thành có, có thành không về thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, triệt để lợi dụng sự đánh giá không khách quan, trung thực, thiếu thiện chí của một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Do có những “thành tích” chống phá Tổ quốc và nhân dân nên năm 2019, Phạm Đoan Trang cũng được trao giải Tự do báo chí của tổ chức “Phóng viên không biên giới”.

Từ những thực tế vi phạm pháp luật của những nhân vật chống phá “cộm cán” đó mà Đài tiếng nói Hoa kỳ VOA lại hồ đồ nhận định: “Việt Nam là nhà tù lớn thứ 3 của thế giới đối với các nhà báo”, “Thế giới không chỉ tiếp tục nhìn tình hình tự do báo chí ngày càng xấu đi ở Việt Nam mà không có hành động gì”, “Các nhà báo và những blogger vì lợi ích cộng đồng đang phải trả một cái giá rất đắt để tìm cách thông tin cho những đồng bào của mình và cả thế giới về những gì đang thực sự xảy ra ở đất nước họ”.

Cần phải khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan; đồng thời, được triển khai, thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, KT-XH của Việt Nam.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam cũng được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Hiện Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí, 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh - truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng (chiếm 70% dân số). Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt ở Việt Nam, cho phép người dân được tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Trong khi đó, sóng và mạng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg,... đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin “xấu, độc” hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận,... mới bị xử lý theo pháp luật.

Đây cũng là biện pháp của Nhà nước Việt Nam để bảo vệ người dân trước những thông tin bịa đặt, sai sự thật, kích động thù hận,...; đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền tiếp cận những thông tin chính xác cho công dân. Điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của nhiều nước.

Rõ ràng, bức tranh hiện thực về bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là thực tế khách quan không ai có thể phủ nhận được. Các thế lực thù địch đã cố tình phủ nhận những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của người dân, đưa ra những đánh giá sai sự thật và hết sức phi lý. Những luận điệu đó cho thấy các tổ chức này đang dùng thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam với dụng ý xấu./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết