Tiếng Việt | English

28/06/2016 - 11:50

Long An chuẩn bị tốt cho cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016

Việc thực hiện Tổng điều tra (TĐT) nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 trên phạm vi cả nước được thực hiện trong tháng 7-2016. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) TĐT tỉnh để nắm rõ tình hình chuẩn bị, triển khai cũng như việc tiến hành thực hiện TĐT ở Long An.

PV: Thưa ông, việc thực hiện TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tại tỉnh ta được chuẩn bị và triển khai như thế nào?


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An-Nguyễn Văn Được

Ông Nguyễn Văn Được: Thực hiện Quyết định số 1225/QĐ-TTg, ngày 31-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2016, trên phạm vi cả nước sẽ diễn ra cuộc TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là TĐT). Đây là lần thứ 5 tổ chức thực hiện TĐT. Ngay sau khi có hướng dẫn của BCĐ TĐT Trung ương, BCĐ TĐT cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng được thành lập, trong đó, Trưởng ban là đại diện lãnh đạo UBND cùng cấp, giúp việc cho BCĐ các cấp là công chức thống kê và công chức các sở, ngành cùng cấp liên quan. BCĐ TĐT tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2182/UBND-KT về việc thực hiện TĐT năm 2016; BCĐ tỉnh ban hành Kế hoạch 458/KH-BCĐ về thực hiện TĐT tại tỉnh.

Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, toàn tỉnh mở 60 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 2.500 điều tra viên và tổ trưởng điều tra. Lực lượng này sẵn sàng “ra quân” vào ngày 1-7-2016, dự kiến, điều tra toàn bộ gần 335.000 hộ, điều tra mẫu 1.512 hộ, gần 1.100 hộ trang trại,... BCĐ tỉnh cung cấp phiếu điều tra và các dụng cụ cần thiết để điều tra viên, tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.

Cuộc điều tra kéo dài trong 1 tháng và sẽ kết thúc thu thập số liệu tại địa bàn vào ngày 30-7-2016. Sau đó là công tác tổng hợp nhanh, nghiệm thu và bàn giao phiếu điều tra giữa các cấp. Nghiệm thu cấp huyện từ ngày 6-8 đến 20-8; nghiệm thu cấp tỉnh từ ngày 21-8 đến 15-9 và nghiệm thu cấp Trung ương từ ngày 16-9 đến 30-11. Chậm nhất ngày 30-11-2016, Long An sẽ kết thúc TĐT.

PV: Trong thời gian tiến hành thu thập số liệu TĐT, BCĐ các địa phương, đơn vị liên quan cần thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được: Để thực hiện tốt cuộc TĐT, trong thời gian tiến hành thu thập số liệu, BCĐ các cấp cần tăng cường giám sát tại địa bàn, nhất là những ngày đầu ra quân. Trong 1-2 ngày đầu, điều tra viên chưa quen việc, dễ bị sai sót, rất cần sự hỗ trợ, giúp phát hiện sai sót và hướng dẫn khắc phục,... nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc TĐT. Đặc biệt, phiếu điều tra được nhập tin bằng công nghệ quét, đòi hỏi điều tra viên phải ghi đúng chữ số theo mẫu quy định, do đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng phải tập trung vào nội dung này.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là công tác tuyên truyền. Nếu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân sẽ nắm được chủ trương TĐT, hiểu được mục đích, ý nghĩa của TĐT, từ đó nhiệt tình phối hợp, cung cấp thông tin chính xác cho điều tra viên. Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần chú trọng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến trong các cuộc họp dân tại xóm, ấp, tổ dân phố.

Việc tổ chức nghiệm thu cũng cần được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình hướng dẫn của BCĐ Trung ương. BCĐ cấp tỉnh cần lựa chọn, phối hợp BCĐ cấp huyện tiến hành nghiệm thu sớm một số địa bàn điều tra để rút kinh nghiệm, hướng dẫn và chỉ đạo công tác nghiệm thu toàn tỉnh, lưu ý những lỗi cần phải sửa tại địa bàn nhằm bảo đảm tính khách quan và chính xác của số liệu.


Tập huấn điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tại huyện Đức Huệ. Ảnh: Kim Tiến - Tấn Hữu

PV: Với tính chất và quy mô của cuộc TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thì số liệu thu được từ TĐT rất lớn, vậy địa phương khai thác bộ số liệu giá trị này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được: TĐT nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là cuộc điều tra lớn trên phạm vi toàn quốc, có khối lượng thông tin thu thập phong phú, đa dạng liên quan đến 9 loại đơn vị điều tra, áp dụng cả 2 loại điều tra: Toàn bộ và chọn mẫu. TĐT 2016 bổ sung 5/9 loại đơn vị điều tra, tương ứng với 5/9 loại phiếu mới, không có trong TĐT năm 2011.

Thực hiện TĐT 2016, Đảng, Nhà nước phải đầu tư nguồn lực rất lớn, rất tốn kém. Đồng thời, huy động nguồn nhân lực đáng kể của xã hội tham gia trực tiếp trong thời gian tối thiểu 1 tháng/người. Nguồn thông tin thu được là tài nguyên rất có giá trị, cần phải được khai thác, sử dụng nhằm phục vụ sự phát triển của nông thôn, nông nghiệp nói riêng và phát triển KT-XH nói chung. Để sử dụng hiệu quả kết quả TĐT, Long An sẽ thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, trên cơ sở số liệu tổng hợp do Trung ương xử lý cho tỉnh, cơ quan Thường trực BCĐ TĐT (Cục Thống kê) tiến hành phân tích chuyên sâu, đánh giá hiện trạng nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh Long An có đến 1-7-2016. So sánh, đối chiếu với kết quả TĐT lần trước (năm 2011) để đo lường, lượng hóa những tiến bộ đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời, xác định những chuyển dịch về cơ cấu lao động, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề tại địa bàn nông thôn,... Các báo cáo phân tích của Cục Thống kê sẽ được các cơ quan chuyên môn của tỉnh sử dụng trong công tác quản lý nhà nước của mình.

Thứ hai, kết quả TĐT 2016 sẽ được xuất bản thành sách, in đĩa CD, đưa lên trang thông tin điện tử của tỉnh để phổ biến rộng rãi đến các đối tượng dùng tin. Sách về kết quả TĐT cũng sẽ được quảng bá tại các hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, nhất là xúc tiến đầu tư vào địa bàn nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào kết quả TĐT, tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến nông thôn, nông dân, nông nghiệp (đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ trương cánh đồng lớn, chương trình nông thôn mới, hợp tác hóa trong nông nghiệp,...). Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn, nông nghiệp. Tương tự, các sở, ngành (Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế,...) nghiên cứu các chỉ tiêu thu được từ TĐT liên quan đến chức năng quản lý của ngành mình để đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các chủ trương phù hợp.

Cuối cùng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố thống nhất sử dụng kết quả TĐT 2016 như là tài liệu cơ bản phục vụ xây dựng các quy hoạch (hoặc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch) tổng thể hoặc quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, nhất là quy hoạch vùng nông thôn. Đồng thời, các định hướng phát triển xác định trong quy hoạch phải trên cơ sở xuất phát từ hiện trạng được chỉ ra trong kết quả TĐT 2016./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Phong - Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết