Tiếng Việt | English

08/07/2022 - 19:07

Long An đạt mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19

Chiều 08/7, Tỉnh ủy Long An khóa XI tổ chức Hội nghị lần thứ 8 để thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 trong 6 tháng đầu năm, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được phát biểu chỉ đạo hội nghị

6 tháng đầu năm 2022, dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 12.216 tỉ đồng, đạt 70,4% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó thu nội địa đạt hơn 73% dự toán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,11%. Khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 1,01%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,5%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 6,93%. Đây là mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng.

Với mức tăng trưởng này, tỉnh Long An đứng 6/13 các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng) và đứng thứ 5/8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh)

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đạt mức tăng trưởng tương đối khá; trong đó, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,5%

Song song với phục hồi về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm triển khai. Toàn tỉnh có 111/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,9%; 19 xã nông thôn mới năng cao, chiếm 17,12%; 4 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. An ninh, quốc phòng được giữ vững ổn định. Hoạt động của hệ thống chính trị nhiều mặt chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tập trung thực hiện nghiêm túc; đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm, chú trọng...

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chưa đạt theo chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 (6,5-7%) và thấp hơn mức bình quân cả nước (6,42%), đáng chú ý là tăng trưởng khu vực II, III chậm hơn so với quí I. Thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng so cùng kỳ (309/198 doanh nghiệp, tăng 56%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch giảm 5,9%.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị công (PAPI) nhiều năm liền nằm trong nhóm đầu của cả nước đã sụt giảm sâu về thứ hạng (PCI năm 2021 xếp 16/63 tỉnh, thành, giảm 13 bậc so với năm 2020 - đây cũng là mức giảm sâu nhất trong suốt 5 năm qua; PAPI năm 2021 xếp 36/63 tỉnh, thành, giảm 2 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm thứ 3 trung bình thấp).

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có mặt còn hạn chế (chỉ đạt 13,2% so với kế hoạch đề ra). Tiến độ một số dự án đầu tư công còn chậm, khối lượng thực hiện và giải ngân chưa đạt yêu cầu. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm (nhất là liên quan đến thực hiện các công trình trọng điểm và một số vụ, việc tồn đọng, kéo dài).

Trong lĩnh vực y tế, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc gia tăng. Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp (4.246 ca, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (1.274 ca)); đã ghi nhận 3 ca tử vong – đây cũng là năm có số ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong 5 năm gần đây,...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (tiêm đủ liều và mũi nhắc) cho người dân

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan. Từ đó đề xuất, xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 ở mức cao nhất; đồng thời cải thiện, nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh trong khu Vùng đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được yêu cầu, UBND tỉnh, các ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7/2022; lãnh đạo chặt chẽ, chủ động, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng; rà soát, quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất công để tạo nguồn đầu tư phát triển. Chỉ đạo chặt chẽ công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, gắn với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh, phấn đấu thu đạt trên 22.000 tỉ đồng trong năm 2022.

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tiếp tục xác định vắc-xin là “vũ khí chiến lược”, là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch. Do đó, cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho người trên 12 tuổi và hoàn thành tiêm đủ mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch.

4 đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021 được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Dịp này, 4 đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021 được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm: Đảng bộ huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Cần Đước và Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết