Tiếng Việt | English

26/09/2021 - 11:23

Long An – Miền thương nhớ

Long An - nơi cửa ngõ của miền Tây Nam bộ và cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh được xem là dòng chảy cảm xúc, là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ ca, âm nhạc mang mạch sống phù sa. Là một người con của mảnh đất Long An, lớn lên bởi vị mặn mòi của sông Vàm Cỏ hiên ngang, lãng mạn nằm giữa lòng Long An chân chất, thủy chung cùng tấm lòng rộng mở yêu thương, nhà thơ Trương Hòa Bình dù đã đặt chân tới nhiều mảnh đất khác nhưng thẳm sâu trong trái tim ông vẫn đau đáu một tình yêu mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn. Long An – quê hương của những cánh đồng bao la, bát ngát, thơm nồng hương lúa chín vào mùa; những dòng sông trĩu nặng phù sa, những con người đôn hậu, hiền lành, những cô gái duyên dáng, xinh tươi trong chiếc áo bà ba… Tất cả đã ăn sâu vào máu thịt, vào tâm trí của những người con Long An. Cho dù có phải xa quê hương thì nỗi niềm, cảm xúc về nơi cội nguồn ấy vẫn luôn dâng trào trong tim mỗi người con xa xứ.

Quê tôi đất mặn đồng chua

Nước ròng nước lớn hai mùa nắng mưa

Ngày xưa làm ruộng một mùa

Cò bay thẳng cánh gió đùa lang thang

(Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)

Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” – Niềm tự hào của mỗi người dân Long An. Ảnh tư liệu: Hữu Tuấn

Với lịch sử hình thành từ rất sớm, Long An là nơi hội ngộ của hai nền văn hóa cổ: Đồng Nai, Ốc Eo và trên 90 di tích lịch sử – văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, thắng cảnh, đã tô thắm lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt. Quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội, con người nơi đây sớm phát huy truyền thống thượng võ, dũng cảm và nghĩa hiệp, cần cù và lạc quan, nhạy bén và sáng tạo trong tiếp thu cái mới… Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, quân và dân Long An đã cùng cả nước một lòng, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Không chỉ ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt, mảnh đất hiền hòa mà anh dũng này cũng là nơi sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc – niềm tự hào của quê hương Long An miền thượng:

Khi xưa khai phá chốn này

Ông cha đã trải tháng ngày gian nan

Tháp Mười kháng chiến kiên gan

Cà nông Minh Mạng nổ vang bưng biền

Đầu mùa vào trận đánh liền

Một trận Mộc Hóa kinh thiên đất trời

Bao năm đánh Mỹ tơi bời

Quân dân Đồng Tháp trọn đời không quên

Vẫn còn nhớ trận Đá Biên

Hàng trăm liệt sĩ hồn thiêng ngút ngàn

Những chàng trai trẻ vinh quang

Một ngôi đền đỏ bia vàng ghi tên

Ngàn năm con cháu không quên

Những gương liệt sĩ xây nền tự do

(Láng Sen - Miền thượng)

Nếu không có những con người sẵn sàng hy sinh thân mình vì quê hương của biết bao thế hệ người con Long An thì chắc hẳn sẽ không có Tổ quốc Việt Nam và mảnh đất mặn mòi ấy:

Từ thượng nguồn sông xuôi miền hạ

Hòa chung dòng Soài Rạp yêu thương

Những năm đánh Mỹ kiên cường

Đặc công rừng Sắc chiến trường lập công

(Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)

Long An là dải đất trải dài theo hai triền sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Màu nước xanh biêng biếc một màu chung thủy nối tình quê hương đong đầy. Dù là người miền thượng hay miền hạ thì cũng đều là con của đất Long An anh hùng. Có lẽ vậy mà chất cách mạng, chất anh hùng ca đã thấm đẫm vào máu, vào da thịt rồi đi vào những vần thơ của Trương Hòa Bình, ngọt ngào như dòng sữa mẹ nhưng cũng kiên cường như một người chiến sĩ cách mạng.

Mảnh đất sâu nặng nghĩa tình này đi vào trong những vần thơ của tác giả Trương Hòa Bình thật đẹp, một vẻ đẹp bình dị nhưng chan chứa ân tình. Nhà thơ đã rất tinh tế khi sử dụng cách nói, cách ví von đậm chất thiệt thà của những người dân miền sông nước Nam Bộ trong từng câu chữ, dễ tạo sự gần gũi, rung cảm cho người đọc - dù chưa một lần đặt chân đến Long An.

… Ai ơi biển lúa hồn quê

Đất trời trải rộng nhớ về Long An

Một vùng Đồng Tháp minh mang

Quê hương miền thượng gió ngàn nắng hanh

Dòng sông in bóng trời xanh

Chở tình non nước ngọt lành phù sa

… Sông Vàm Cỏ đẹp bài thơ

Cây cầu Mỹ Lợi ước mơ trải lòng

Bây giờ cầu bắc qua sông

Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công nối liền

Gái trai tình đã bén duyên

Ngày xuân khát vọng triền miên ngọt ngào

Lên cầu ta ngắm trời cao

Dòng sông chung thủy một màu xanh trong

(Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)

Một vùng đất của tình người chân chất, thuần hậu, nồng nàn tình quê; của những cánh đồng bạt ngàn lúa chín, những vườn cây trái sum xuê, thiên nhiên trù phú; một vẻ đẹp màu mỡ, sinh động với cá tôm, cua, chim chóc… Dưới ngòi bút sinh động, con mắt quan sát tinh tế, tỉ mỉ của tác giả, người đọc như thấy muôn loài đang hiện ra trước mắt. Dường như, tất cả mọi thứ đã ngấm sâu vào tâm hồn tác giả, sắp xếp tuần tự trong các ngăn của ký ức, chỉ cần khơi gợi là những hình ảnh kỷ niệm về quê hương là tuôn trào một cách hết sức tự nhiên. Về Long An, với tác giả không chỉ là về cội nguồn mà còn để làm giàu thêm cảm xúc trong tâm hồn:

Quê mình đẹp tựa như tranh

Tân Thạnh, Thạnh Hóa đất lành chim bay

Rừng tràm ngập trảng nước đầy

“Sóc tràm” chạy lụt lên cây nô đùa

Cá tôm không mất tiền mua

Minh mông nước nổi rắn rùa lội sông

Láng Sen cá lóc, cá bông

To hơn mười ký chạy rong từng bầy

Cá trê, cá cóc, cá cày

Cá rô, cá sặt tung chài bắt nhanh

Lòng tong, cá chốt, cá lăng

Lìm kìm bơi lội tung tăng ngược dòng

Cá nheo, đối kến trên sông

Cá ba sa được nuôi lồng lớn mai

Cá vồ đém, cá tra dầu

Cá heo về theo cá linh

Cá trèn, cá trắm, cá chình khắp nơi

Bông lau, thát lát gọi mời

Cua đồng, cua rạm của trời cho ta

(Láng Sen - Miền thượng)

Đọc những câu thơ trên, bất giác, người đọc liên tưởng đến những trang viết đậm chất Nam Bộ trong “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Hành trình gắn liền với tuổi thơ như chợt ùa về đầy cảm xúc, đó là hành trình về với miền đất phương Nam trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những cánh chim tung trời, tiếng vó ngựa reo vui trên đường làng, tiếng mái chèo trên sông nước… Sự đa dạng của thiên nhiên, muông thú, sông ngòi chằng chịt,… tạo nên lối sống thật yên bình, hạnh phúc nơi đây:

Một miền biên giới thanh bình

Chung tay hữu nghị xây tình bòn ơi

Long An sông nước tuyệt vời

Sắc hương miền thượng gọi mời chúng ta

Ấn tượng về Long An là những cô gái với mái tóc dài buông xõa, lúc nào cũng dịu dàng, dễ thương. Hình ảnh cô thôn nữ trong chiếc áo bà ba chèo xuồng lướt nhẹ bờ kinh dưới ánh nắng chiều thật đẹp, thật duyên dáng. Câu thơ như một bức họa:

Hỡi cô thôn nữ đẹp xinh

Chèo xuồng lướt nhẹ bờ kinh nắng chiều

Áo bà ba đẹp yêu kiều

Tình quê duyên thắm mĩ miều dáng em

(Láng Sen - Miền thượng)

Nói về tình yêu đôi lứa, người Long An nói riêng và người miền Tây nói chung thường dùng chữ “thương” thay vì chữ “yêu”. Có lẽ, với họ, chữ thương nặng lắm, chữ thương được nói ra khi trong lòng đã đủ tình, chứ không chỉ là lời yêu chót lưỡi đầu môi kia:

Cho tôi được hỏi làm quen

Có khi duyên số cũng nên mối tình

Quê nghèo em giữ phận mình

Nếu anh thương thiệt thì trình mẹ cha

Tiếng hò điệu lý câu ca

Tình yêu chân chất mặn mà thủy chung

Trời xanh xanh thẳm khôn cùng

Một lời xa cách vạn trùng vẫn nghe

(Láng Sen - Miền thượng)

Đất Long An nằm bên đôi dòng sông Vàm Cỏ, nổi tiếng với phong cảnh sông nước hữu tình. Không mang trong mình vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ như bất kỳ mảnh đất phồn hoa đô hội nào, cũng không có những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, thế nhưng, vẻ đẹp yên bình, mộc mạc của miền sông nước đậm chất Nam Bộ này cũng đủ níu chân những ai yêu thiên nhiên, yêu sự phóng khoáng và yên bình:

Long An sông nước tuyệt vời

Sắc hương miền thượng gọi mời chúng ta

Về đây vùng trũng Ram Sa

Người dân bình dị thiệt thà dễ thương

Long An trung dũng kiên cường

Toàn dân đánh giặc dặm đường đã qua

Bây giờ kiến thiết nước nhà

Láng Sen du lịch Ram Sa giữ gìn

Quê hương ngập ánh bình minh

Việt Nam ngời sáng quang vinh đất trời.

(Láng Sen - Miền thượng)

Một góc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Ảnh: Kiên định)

Nơi miền thượng nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh “ai đi một lần là nhớ” thì nơi miền hạ cũng nổi tiếng với nét văn hóa đờn ca tài tử “ai nghe một lần là mê”. Từng câu từng chữ thấm đẫm cảm xúc của nhà thơ dành cho văn hóa quê hương, dân tộc sâu đậm, tha thiết đến nhường nào. Lúc này, dường như ông rũ bỏ hoàn toàn chất thép của một nhà chính trị để rồi hóa thân thành một người nghệ sĩ như muốn đem gần hơn tới người đọc, người nghe những lời hát, câu đờn ca Nam Bộ truyền thống:

Đờn ca tài tử thâu đêm

Tâm hồn phóng khoáng thay phiên hát chầu

Hát ca ra bộ buổi đầu

Đờn ca tài tử đậm màu dân gian

...

Cội cổ thụ mái sân đình

Cải lương sân khấu hành trình phương Nam

...

Ngày nay đất nước thanh bình

Long An gió lộng bình minh ngập tràn

Đất trời trải rộng mênh mang

Chiều thương miền hạ âm vang câu hò

(Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)

Phải chất chứa trong lòng một niềm tự hào và tình yêu văn hóa quê hương đến nhường nào thì mới có những câu thơ nặng tình như vậy. Đó không phải là cái nhìn của người du khách thoáng nghe câu đờn ca vọng cổ mà là kết quả của sự rung động đến sâu sắc của một người nghệ sĩ tài hoa.

Mảnh đất sâu nặng nghĩa tình như vậy làm sao mà không thương, làm sao mà không nhớ. Qua ngòi bút của tác giả Trương Hòa Bình, Long An hiện lên một cách rất đẹp và nên thơ: một vẻ đẹp bình dị, lắng sâu mà tha thiết, nồng nàn. Để rồi, ai đã hoặc chưa từng một lần đến Long An cũng thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường này./.

Song An

Chia sẻ bài viết