Lãnh đạo địa phương tặng hoa, quà cho các tân binh. Ảnh: Kiên Định
Năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển 1.550 quân nhân (đạt 100% chỉ tiêu ở cả 03 cấp); trong đó, có 42 đảng viên nhập ngũ (đạt 2,71%, đảng viên chính thức nhập ngũ đạt 2,45%, vượt 1,45%). Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp thực hiện nghiêm túc công tác phúc tra nắm nguồn; việc sơ tuyển, xét duyệt, gọi khám sức khỏe được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật và được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2022 vẫn còn một số hạn chế như: Công tác quán triệt, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tuyển quân ở một địa phương còn hạn chế; việc đăng ký quản lý nguồn, xét duyệt các tiêu chuẩn có nơi chưa chặt chẽ; có trường hợp nắm chưa chắc hoàn cảnh gia đình, lý lịch của thanh niên nên phát sinh trường hợp đơn vị phải loại trả do công dân vi phạm pháp luật trước khi nhập ngũ; kết luận sức khỏe có trường hợp không chính xác; tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân không đạt chỉ tiêu ở một số địa phương; việc tuyển chọn cán bộ, công chức nhập ngũ còn thấp; tỷ lệ thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học trúng tuyển chưa cao, công tác tạo nguồn cán bộ địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Để thực hiện công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2023 đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp hoạt động chặt chẽ, hiệu quả; quan tâm công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông vận động thanh niên sẵn sàng nhập ngũ; thực hiện tốt các bước trong xét tuyển và gọi công dân nhập ngũ đúng quy trình, quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, đủ số lượng, nâng cao chất lượng; trong đó, chú trọng chất lượng chính trị, sức khỏe, trình độ học vấn; ưu tiên tuyển chọn những công dân có trình độ học vấn cao, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang công tác tại các cơ quan Đảng, nhà nước và các doanh nghiệp vào phục vụ tại ngũ, nhằm bảo đảm công bằng xã hội, tạo nguồn nhân lực cho địa phương khi xuất ngũ và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.
Đối với việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Quân đội, giao quân đạt 100% chỉ tiêu ở cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã); 75% trở lên sức khỏe loại 1, loại 2; 70% tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên; 100% là đảng viên và đoàn viên; trong đó, phải cử, tuyển 1% đảng viên chính thức tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên nhập ngũ (đối với cấp huyện).
Đối với việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân: Cơ quan công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trực tiếp tiếp xúc, vận động công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ trong Công an nhân dân; cơ quan quân sự cần ưu tiên cho cơ quan công an được tuyển chọn những công dân đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguyện vọng thực hiện nghĩa vụ trong Công an nhân dân; trong đó, việc tuyển chọn công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ trong Công an nhân dân phải đạt 100% chỉ tiêu ở cấp tỉnh, huyện; 80% trở lên sức khỏe loại 1, loại 2; 100% tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; 100% là đảng viên và đoàn viên.
Thực hiện tốt quy trình tuyển quân “Tròn khâu”, theo phương châm “Tuyển người nào chắc người đó”, hạn chế thấp nhất tỷ lệ bù đổi; thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra, xác minh lý lịch chính trị của thanh niên trước khi nhập ngũ, bảo đảm 100% chỉ tiêu về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức. Tập trung làm tốt công tác sơ tuyển, xét duyệt ở xã, phường, thị trấn, gọi khám 04 công dân trên 01 chỉ tiêu và thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế trong khám sức khỏe.
Tổ chức thực hiện tốt công tác “3 bình cử, 4 công khai'' chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công bằng, tạo sự thống nhất cao trong nhân dân và công dân nhập ngũ, không để khiếu nại xảy ra; bảo đảm tỷ lệ dự phòng không quá 5% chỉ tiêu gọi nhập ngũ của địa phương theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Nâng cao chất lượng tổ chức "Hội trại tòng quân” và “Lễ giao, nhận quân ” phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương; đổi mới phương thức giao, nhận quân bảo đảm khoa học, trang trọng, chặt chẽ, nghiêm túc, nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả theo đúng quy định nghi lễ của Bộ Quốc phòng.
Thực hiện tốt công tác động viên, tuyên truyền cổ động tại các điểm giao quân, tạo được khí thế và làm cho ngày giao quân thực sự là ngày hội của công dân lên đường nhập ngũ. Sau giao quân, cần tổ chức thăm hỏi, động viên chiến sĩ mới ở các đơn vị ra sức học tập, rèn luyện, thực hiện tốt chức trách của người quân nhân cách mạng, nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ của mình.
Tiếp tục làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, có kế hoạch thăm hỏi, giúp đỡ gia đình công dân nhập ngũ có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Phối hợp với tổ chức đón tiếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương bảo đảm trang nghiêm, trọng thị, tạo niềm tin cho gia đình và tạo sự lan tỏa chung; quan tâm tiếp nhận, bổ trí việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ đúng theo quy định; đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ trở về địa phương.
Thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, tạo điều kiện cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chủ động phối hợp các trường dạy nghề tổ chức tốt việc hướng nghiệp cho quân nhân chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự đáp ứng việc đào tạo nghề theo nhu cầu, khả năng, trình độ của quân nhân sau khi xuất ngũ, tạo điều kiện việc làm, thu nhập ổn định nhằm động viên, khích lệ công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ. Tăng cường quản lý, phát huy vai trò của đảng viên là quân nhân xuất ngũ tại cơ sở./.
Tấn Lộc