Tiếng Việt | English

28/10/2017 - 13:42

Long An: Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Những năm qua, Long An tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh – Võ Minh Thành chia sẻ về những đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh

Ứng dụng công nghệ thông tin – “Đòn bẩy” hiện đại hóa nền hành chính

Cùng với việc tập trung ban hành hệ thống chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thời gian qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng CNTT, đẩy mạnh ứng dụng vào thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC ở các cơ quan Nhà nước. Qua đó, góp phần hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh – Nguyễn Hòa Nhã cho biết, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử Long An phiên bản 1.0; lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020; hoàn chỉnh Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tỉnh, bảo đảm phục vụ cho việc tiếp nhận, luân chuyển thủ tục hành chính (TTHC), công bố tình trạng giải quyết TTHC trên môi trường mạng, cung cấp DVCTT mức độ 2, 3 cho người dân, doanh nghiệp;… 

Hệ thống một cửa điện tử được triển khai, sử dụng đồng bộ, góp phần giải quyết hồ sơ hành chính trên môi trường mạng

Long An thực hiện niêm yết công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định. Hiện tại, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh niêm yết công khai 1.733 TTHC; trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành là 1.320 TTHC, cấp huyện 272 TTHC và cấp xã 141 TTHC.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ (mạng LAN) để trao đổi công việc; 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện có trang thông tin điện tử tích hợp vào Cổng thông tin điện tử tỉnh vận hành ổn định, thông suốt. Hệ thống một cửa điện tử được triển khai, sử dụng đồng bộ đến 17/19 sở, ngành và 100% UBND cấp huyện, xã. Qua đó, phục vụ tốt việc tiếp nhận luân chuyển, xử lý, theo dõi, công bố tình trạng giải quyết hồ sơ (HS) hành chính trên môi trường mạng.

Trang bị phần mềm theo dõi đơn thư, tạo thuận lợi giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh là đơn vị đi đầu trong việc triển khai DVCTT mức độ 3, 4. Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh – Tăng Thị Ngọc Em cho biết, hiện nay, sở triển khai 6 DVCTT mức độ 4 gồm: Cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; giấy phép xuất bản tin (trong nước); giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, cho phép họp báo (trong nước); đăng ký sử dụng máy photocopy màu và máy in có chức năng photocopy màu. Qua đây, giúp người dân, doanh nghiệp đăng ký, giải quyết HS TTHC qua mạng.

Trưởng phòng Thông tin - Báo chí và Xuất bản (Sở TT&TT) - Lê Thị Hồng Diễm chia sẻ về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn

 

Hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ

Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh chính thức đi vào hoạt động ngày 17/10/2016, được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm và tốp 12 trung tâm được triển khai, thực hiện trong cả nước lúc bấy giờ. Việc thành lập trung tâm là yêu cầu bức thiết, thể hiện tư duy đổi mới, ý chí quyết tâm CCHC của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông của tỉnh; khắc phục những bất cập trong việc phối hợp giải quyết TTHC tại các sở, ngành tỉnh thời gian qua.

Công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ân cần, niềm nở, hướng dẫn cá nhân, tổ chức tận tình

Phó Giám đốc Sở Nội kiêm Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh – Võ Minh Thành cho biết, trung tâm là đầu mối tập trung thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC thuộc quyền giải quyết của 9 sở, ngành tỉnh: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an. Đến cuối năm 2017, tất cả TTHC của các sở, ngành còn lại và ngành dọc đều được giải quyết tại trung tâm. Giao dịch tại đây, người đại diện doanh nghiệp và người dân được phục vụ bình đẳng, theo thứ tự và được lựa chọn nhận kết quả tại trung tâm hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Qua 1 năm hoạt động, Trung tâm PVHCC tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp nhận 26.398 HS. Đến nay, số lượng HS các sở, ngành giải quyết xong là 25.250; trong đó, trước hạn là 17.967 HS (chiếm 71,16%), đúng hạn 6.989 HS (chiếm 27,68%) và quá hạn 294 HS (chiếm 1,16%). Công chức, viên chức làm việc tại đây chấp hành khá tốt nội quy, quy chế làm việc, giao tiếp lịch sự, giải quyết TTHC nhanh, gọn, bảo đảm công khai, minh bạch, không xảy ra trình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Sau thành công bước đầu của mô hình cấp tỉnh, UBND tỉnh quyết định thành lập trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp huyện, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong công tác CCHC, hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ. Đây là mô hình tương đối mới, cả nước hiện chỉ có 4 địa phương thực hiện (Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Giang và Long An). Theo kế hoạch, trong năm 2017, tỉnh triển khai, xây dựng TTHCC tại 8 địa phương và hoàn thiện 100% TTHCC các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vào 2018. 

Trung tâm hành chính công huyện Cần Giuộc tiếp nhận HS, hướng dẫn, đôn đốc việc giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa liên thông

TTHCC huyện Cần Giuộc (TTHCC cấp huyện đầu tiên của tỉnh) bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ ngày 04/5/2017 trên cơ sở một số trang thiết bị, nhân lực của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện. Giám đốc TTHCC huyện Cần Giuộc – Nguyễn Văn Thạnh cho biết, trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, có chức năng là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận HS, hướng dẫn, đôn đốc việc giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa liên thông; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công theo quy định của Nhà nước khi cá nhân, tổ chức yêu cầu, góp phần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa TTHC cho cá nhân, tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ xã Tân Kim chia sẻ: “Nếu như trước đây, khi muốn làm hoàn chỉnh một HS, người dân phải đến làm TTHC ở nhiều cơ quan, mất thời gian. Bây giờ, chỉ cần đến trung tâm, các HS của cá nhân, tổ chức được tiếp nhận và trả kết quả cùng một nơi, rất tiện lợi”.

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, xã Thuận Thành chia sẻ khi đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện Cần Giuộc

Quyết tâm nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Hiện nay, nền hành chính của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện qua từng năm. Nếu như năm 2013, chỉ số CCHC của tỉnh đứng hạng thứ 50/63 tỉnh, thành thì năm 2016, chỉ số này vươn lên đứng hàng thứ 30/63 tỉnh, thành trên cả nước và được xếp vào nhóm các địa phương có chất lượng tốt.

Bên cạnh những kết quả, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là việc cung cấp DVCTT mức độ 3 còn ít; số lượng cán bộ cấp xã đạt chuẩn chưa cao; việc rà soát, hệ thống hóa và đánh giá thể chế trên các lĩnh vực Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu cải cách; cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số nơi chưa tuân thủ đầy đủ, niêm yết TTHC chưa khoa học; mô hình Trung tâm PVHCC chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể về chế độ, cách thức hoạt động,...

Niêm yết thủ tục hành chính khoa học, đầy đủ sẽ giúp cá nhân, tổ chức thuận tiện trong việc tra cứu, hoàn thiện HS

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An – Đỗ Hữu Lâm, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, tập trung nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính cấp tỉnh (PAPI); tiếp tục đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, đáp ứng DVCTT mức độ 3, 4 tại cơ quan hành chính Nhà nước.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% Trung tâm PVHCC cấp tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình một cửa điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử; đa số DVCTT đạt mức độ 3; 3% -5% DVCTT đạt mức độ 4, góp phần xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phục vụ theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết