Long An thiết lập trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tập trung triển khai các mặt công tác phòng chống, dịch bệnh Covid-19 theo chức năng và nhiệm vụ được giao đặc biệt trong việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được các kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được kiểm soát, việc thực hiện nhìn chung vẫn chưa có sự đồng bộ, chưa quyết liệt và hiệu quả chưa được như mong muốn; vẫn còn xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; ý thức phòng chống dịch của người dân ở một số nơi vẫn còn chưa nghiêm; tình trạng người dân ra đường vẫn còn số lượng lớn,...
Theo đó, Sở Chỉ huy giao cho Công an tỉnh chủ trì, Quân sự, Giao thông vận tải và các ban ngành, đoàn thể, địa phương,... tham gia phối hợp tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả.
Các đơn vị phối hợp thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người; gia đình cách ly với gia đình; xóm, ấp, khu phố cách ly với xóm, ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố cách ly với huyện, thị xã, thành phố; kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm “ai ở đâu ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội, cách ly theo quy định.
Việc chọn địa điểm thiết lập các chốt phải bảo đảm gắn với tình hình, đặc điểm địa lý, điều kiện, cơ sở vật chất tại vị trí chốt chặn. Đặc biệt là tình hình mức độ dịch bệnh tại địa phương như vùng có nguy cơ rất cao; vùng có nguy cơ cao, vùng nguy cơ thấp; bảo đảm triển khai thiết lập bảo vệ “vùng xanh”; các biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp, triệt tiêu “vùng đỏ”.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, việc xác định chốt phải được phân chia thành những khu vực giới hạn nhất định trong phạm vi địa chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và được xác định bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện vận tải, công cộng lưu thông thường xuyên, lưu lượng đông.
Về điều kiện bảo đảm bên trong chốt kiếm soát: Mọi hoạt động, sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu của người dân phải được đáp ứng, bảo đảm để người dân không di chuyển ra khỏi khu vực kiểm soát theo từng vùng hoặc nhóm nguy cơ, “ai ở đâu ở đó”, bảo đảm cách ly tuyệt đối.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện các chốt, trạm kiểm soát do UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập. Về lực lượng, Công an tỉnh là Tổ trưởng, Sở Giao Thông vận tải là Tổ phó, các thành viên là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Tỉnh đoàn, UBND huyện nơi thiết lập chốt.
Chốt kiểm soát cấp huyện: Công an huyện chịu trách nhiệm chủ trì rà soát các luồng, tuyến giao thông ra vào địa bàn để tham mưu UBND cấp huyện thành lập các trạm, chốt hiệu quả. Công an cấp huyện giáp ranh nhau thống nhất rà soát các tuyến giao thông liên huyện để báo cáo UBND cấp huyện thành lập chốt trên cơ sở phân chia: Nếu có 02 tuyến liên huyện thì mỗi huyện chủ trì 1 chốt; nếu có 1 tuyến liên huyện thì lực lượng của 2 huyện thống nhất phối hợp, triển khai thực hiện và lựa chọn vị trí đặt chốt thích hợp. Tuyệt đối không được đặt 2 chốt đối diện, liền kề nhau trên cùng một tuyến đường liên huyện. Lực lượng tham gia các chốt, trạm gồm: Công an huyện là Tổ trưởng; Quân sự huyện và Trung tâm Y tế huyện là Tổ phó; thành viên là cán bộ công chức, viên chức của các ban, ngành cấp huyện; ngoài ra còn có đoàn thể cấp huyện và các lực lượng tình nguyện viên tham gia.
Trạm, chốt kiểm soát cấp xã: Công an huyện chịu trách nhiệm chủ trì rà soát các luồng, tuyến, điểm để tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã quyết định thành lập các chốt cấp xã. Mỗi xã chỉ thiết lập 1 hoặc 2 chốt đi vào - 1 hoặc 2 chốt đi ra riêng biệt kiểm soát chặt 24/24 giờ. Đối với tất cả các đường phụ, lối mở, hẻm ra - vào xã đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện. Căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh của từng địa phương có thể thiết lập việc kiểm soát giữa các xóm, ấp, khu phố với các xóm, ấp, khu phố. Đồng thời, với lực lượng tham gia kiểm soát bảo vệ tại các chốt giao thông, Công an chịu trách nhiệm làm Tổ trưởng, Quân sự làm tổ phó (Đối với các xã vùng xanh); ngược lại Quân sự chịu trách nhiệm làm Tổ trưởng, Công an làm tổ phó (đối với các xã “vùng đỏ”). Các lực lượng tham gia: Huy động đầy đủ các lực lượng y tế, các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, hội cựu chiến binh...) tham gia làm nhiệm vụ tại các trạm, chốt để kiểm tra tất cả các trường hợp qua lại chốt và kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 (không nhắc nhở). Ngoài ra, còn có các lực lượng tình nguyện khác.
Ngoài các trạm chốt cố định, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Quân sự, sở Giao thông vận tải thành lập các Tổ tuần tra lưu động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại các địa phương theo phân cấp quản lý; tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn kịp thời các trường hợp người dân ra đường không đúng quy định; đảm bảo trật tự, an toàn trên các tuyến đường giao thông.
Trong đó, cấp tỉnh thành lập 3 Tổ tuần tra lưu động cấp tỉnh (thành phần gồm Công an tỉnh Tổ trưởng, Quân sự tỉnh Tổ phó, Sở Giao thông vận tải, Quản lý thị trường thành viên).
Cấp huyện: Mỗi địa phương thành lập 3 Tổ tuần tra lưu động; thành phần gồm Công an huyện Tổ trưởng, Quân sự huyện Tổ phó, các ban, ngành huyện thành viên.
Cấp xã: Mỗi xã thành lập 1 Tổ. Giao Chỉ huy quân sự phường, xã, thị trấn làm tổ trưởng; Công an xã phường, xã, thị trấn làm tổ phó; Trưởng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân; các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công đoàn) tham gia. Giao Quân sự xã tham mưu.
Tại mỗi ấp, khu phố: Thành lập 1 Tổ kiểm soát lưu động có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm danh, kiểm diện người dân; nhắc nhở, tuyên truyền người dân trong khu phố, ấp không được ra đường, đảm bảo các quy định về cách ly. Lực lượng huy động là Trưởng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân làm tổ trưởng; thành viên gồm Đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh, chừ thập đỏ) bảo vệ dân phố; dân quân tự vệ; công an hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,... Ngoài các nhiệm vụ trên, Tổ kiểm soát lưu động của ấp, khu phố còn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn bên trong các khu vực thuộc ấp, khu phố mình quản lý; phát loa tuyên truyền, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp người dân không chấp hành các quy định phòng chống dịch.
Nhiệm vụ của trạm, chốt kiểm soát
Kiểm tra việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT- TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ở mức độ cao nhất. Trong đó:
Kiểm soát chặt “vùng đỏ” theo nguyên tắc “khẩn trương khoanh vùng, thu hẹp, kiểm soát, bốc tách; sàng lọc nhanh; xử lý gọn”. Kiểm soát “vùng xanh” theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, không để dịch bệnh xâm nhập.
Cấm các trường hợp trong “vùng đỏ” đến các địa bàn “vùng xanh”. Trong trường hợp đặc biệt, thì phải có giấy xác nhận của địa phương “vùng xanh” cho phép.
Đối với người thực thi công vụ, cán bộ, công chức, viên chức,... có nơi cư trú trong khu vực này, nhưng đi làm tại khu vực khác được đi làm bình thường nhưng đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ có xác nhận của cơ quan và cung đường đi, thời gian đi qua chốt kiểm soát phải khai báo y tế và khi về nhà tự áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F2 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh. Nếu có điều kiện thì bố trí phòng sinh hoạt riêng.
Đối với các trường hợp nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công Thương phối hợp UBND cấp huyện chịu trách nhiệm điều phối, quản lý, kiểm soát chặt, khi vào khu vực phải đảm bảo các điều kiện theo quy định như tiêm ngừa vắc-xin, có giấy xét nghiệm còn giá trị theo quy định và giấy xác nhận của Sở Công thương hoặc UBND cấp huyện.
UBND cấp huyện, cấp xã không được cấp giấy phép đi lại cho người dân cư trú tại địa phương được di chuyển qua nhiều nơi, liên huyện, liên xã trừ các trường hợp đặc biệt cấp thiết (như: cấp cứu, khám, chữa bệnh,...); trường hợp giải quyết đột xuất phải có văn bản trao đổi cho các địa phương có liên quan đồng ý thống nhất mới được qua lại các chốt.
Đối với các trường hợp người dân ngoài tỉnh, phải kiểm soát chặt từ các chốt cấp xã, phường, thị trấn; tuyên truyền vận động người dân trở về nơi tạm trú; không để các trường hợp trên vượt qua các chốt kiểm soát, tập trung đồng người gây áp lực, các trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm. Không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê.
Đối với các trường hợp nông dân thu hoạch nông sản, giao cho trưởng ấp, khu phố,... nắm, xác nhận và tổng hợp báo cáo về UBND xã để thống nhất cấp giấy tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, cấm lợi dụng việc này để xác nhận không đúng đối tượng.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì Tổ trưởng đề nghị các thành viên Tổ kiểm tra lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền.
Chốt kiểm soát triển khai thực hiện 24/24 giờ (kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật) cho đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh; mỗi ngày có 3 ca trực, mỗi ca trực 8 giờ./.
BLA