Tiếng Việt | English

23/09/2018 - 10:29

Lồng đèn xưa

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Chở con đi mua lồng đèn trung thu khi phố vừa lên đèn. Những dãy phố quanh năm trầm lắng bỗng nhộn nhịp và rực rỡ những ánh đèn của tuổi thơ chờ hội trăng rằm tháng tám. Cô bán hàng đon đả hỏi:

- Anh muốn mua lồng đèn nào cho cháu? Đây có loại lồng đèn búp bê thắp sáng bằng pin hay lồng đèn mèo máy Doremon. Mỗi loại một kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Con gái ơi! Con chọn đi nhé!

Con nhìn cha rồi thắc mắc:

- Hồi nhỏ cỡ con, cha hay chọn lồng đèn nào?

- À, hồi xưa, mà cũng không xưa lắm đâu con, khoảng chừng ba mươi năm trước, thời cha trạc tuổi con bây giờ, ở quê mình, người ta không có bán lồng đèn trung thu như hiện nay.

- Vậy hồi đó không có đèn trung thu hả cha?

- Có chứ con! Trẻ con thời nào cũng có lồng đèn, cũng được yêu thương con ạ! Hồi đó, nhà ai cũng nghèo nhưng còn non một tháng nữa đến Trung thu đã nghe rộn ràng lắm rồi. Các gia đình trong xóm bắt đầu làm lồng đèn cho con cháu. Thường, đàn ông trong gia đình lãnh phần chặt trúc, vót nan. Những chiếc nan trúc được vót sao cho vừa mỏng manh để có thể uốn tạo hình, vừa bảo đảm độ chắc chắn của khung lồng đèn. Phổ biến nhất là lồng đèn ông sao vì không cầu kỳ, đơn giản, dễ thực hiện. Nan trúc được dùng kẽm cố định ghép vào nhau tạo thành hình một ngôi sao năm cánh. Vậy là được một mặt chiếc lồng đèn. Mặt còn lại cũng làm tương tự rồi đính chặt gốc của hai mặt ngôi sao vào nhau. Những lóng trúc tiện bằng nhau được chèn vào để chiếc khung vồng lên và có chỗ để xoắn kẽm làm đế cắm đèn cầy. Đã đến lúc cần bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ đó là dán giấy kiếng lên phần khung đèn. Đôi bàn tay khéo léo chọn giấy kiếng đủ màu để trang trí cho đèn. Sau khi dán giấy kiếng xong sẽ đem lồng đèn ra phơi nắng để cho giấy kiếng bọc căng bóng và đẹp mắt hơn.

Hồi đó, không có đèn cầy đủ màu, đủ kiểu như bây giờ. Nếu không có tiền mua đèn cầy thì tận dụng lại mẩu sáp vụn chảy do đã đốt đèn cầy những đêm mất điện. Những mẩu sáp này được bỏ vào trong một cái nồi cũ, nấu cho tan chảy. Những nhánh trúc rỗng ruột được bỏ thêm sợi chỉ may bao vào làm tim đèn. Khi sáp vụn tan chảy, cứ rót vào ống trúc. Đợi khi phần sáp đặc lại, chẻ bỏ phần ống trúc bên ngoài. Vậy là đã có đèn cầy sẵn sàng cho đêm Trung thu!

Chiều. Sau bữa cơm, những đứa trẻ trong xóm í ới gọi nhau đi rước đèn. Những chú đom đóm cũng hồ hởi góp vui bằng đôi cánh nhấp nháy. Vừa đi, bọn trẻ vừa hát: “Tết Trung thu em đốt đèn đi chơi. Em đốt đèn đi khắp phố phường...” hay “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao...”. Ban đầu chỉ vài chiếc lồng đèn, một lúc sau, đám trẻ con rồng rắn xếp hàng dài cùng nhau rước đèn. Không ai bảo ai, cứ tuần tự kẻ trước, người sau một cách trật tự.

Kể cho con nghe về đèn lồng xưa. Bất chợt những kỷ niệm ùa về. Mỗi thời mỗi khác, trẻ con ngày nay sẽ thắp đèn trung thu bằng pin, chiếc lồng đèn sáng choang có phát tiếng nhạc rất vui tai. Và mỗi đứa trẻ trong gia đình tự thắp đèn vui Trung thu chứ không có những sinh hoạt tập thể như trẻ con ngày trước.

Có thể rồi con cũng sẽ lưu giữ những kỷ niệm ngày nay để nhớ về trong những Tết Trung thu sau này cũng như cha, dù thời gian đã qua rất lâu vẫn hoài niệm về mùa Trung thu xưa cũ gắn liền với một thời tuổi thơ./.

Trương Quốc Toàn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích