Tiếng Việt | English

14/07/2022 - 11:30

Lớp học tình thương miền biên viễn

Lớp học tình thương ở thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An duy trì được khoảng 7 năm đã giúp nhiều con em gia đình Việt kiều biết đọc, biết viết. Mỗi chiều, trong hành trang tới lớp của nhiều em còn có thêm xấp vé số để tan học tranh thủ đi bán.

1. Cẩm Ly năm nay 7 tuổi. Em cùng anh và em trai mình sống với bà nội trên chiếc ghe nhỏ neo bên bờ kênh 79 (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng). Mẹ bỏ đi, cha làm ăn xa, những đứa trẻ ở lại với bà nội ngoài 70 tuổi. Hàng ngày, nguồn sống chính của mấy bà cháu dựa vào tiền bà nội đi bán vé số, cắt lục bình. Lúc nội đi làm, Cẩm Ly cùng các anh em và những đứa trẻ khác trong xóm Việt kiều chơi trên bãi đất trống nơi ghe neo đậu.

Cẩm Ly đang học mầm non ở lớp học tình thương, anh trai học lớp 1. Được các cô dạy bảo nên Cẩm Ly nói chuyện rất lễ phép. Dù là học sinh nhỏ tuổi nhất lớp, lại mới vào học sau các anh chị nhưng Cẩm Ly rất chăm chỉ. Em không nghỉ buổi học nào và rất nghe lời thầy cô. Chị Trần Thị Ngọc Duyên - 1 trong 2 đoàn viên đang trực tiếp đứng lớp, kể: “Học sinh sáng dạ, chăm chỉ trong lớp thì không thiếu. Có nhiều bạn không chỉ học tốt mà còn giúp thầy cô hướng dẫn các bạn khác học nữa. Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục”.

Hiện tại, lớp do anh Thùy, cô Thía và 2 đoàn viên nữa phụ trách (Trong ảnh: Một buổi học của lớp học tình thương - Ảnh: nvcc)

Lớp học tình thương tại thị trấn Tân Hưng mở cách đây khoảng 7 năm từ ý tưởng của Bí thư Đoàn thị trấn - Trương Văn Thùy. Anh Thùy cũng là người chịu trách nhiệm chính việc duy trì và đứng lớp dạy chữ cho các em. Hiện tại, ngoài anh Thùy còn có một giáo viên về hưu và 2 đoàn viên, thanh niên khác hỗ trợ anh đứng lớp.

Căn phòng trống trong trụ sở Công an thị trấn được trang bị thêm bàn, ghế học sinh và 1 tấm bảng nhỏ đủ trở thành lớp học đượm tình thương ở vùng biên giới. Hơn 30 học sinh đủ độ tuổi từ 7-15 được chia thành 3 nhóm lớp: Mầm non, lớp 1 và lớp 2. Học trò của anh Thùy là Việt kiều trở về từ Lào, Campuchia, cuộc sống rất khó khăn. Hầu hết họ không có giấy tờ tùy thân, không có đất nên sống trên những chiếc ghe nhỏ dọc theo bờ kênh bên thị trấn.

Chị Duyên đến thăm học trò. Các em đang chơi cùng nhau trên bãi đất trống nơi ghe neo đậu

Chị Duyên kể: “Đừng nói tới giấy tờ tùy thân. Có nhiều em khi về Việt Nam còn chưa nói sõi tiếng Việt. Chúng tôi chỉ dạy đến hết lớp 2 cho các em có thể nói, đọc, viết tốt tiếng Việt. Một số em ban ngày đi bán vé số, ban đêm đi học. Số khác thì quanh quẩn ở nhà”. Ngoài dạy đọc, viết, làm toán, các thầy cô trong lớp học tình thương còn dạy học sinh cách nói chuyện “dạ, thưa”, dạy giữ gìn vệ sinh thân thể. Từng lớp học trò đến rồi đi, có em học cho biết đọc, biết viết rồi đi làm; cũng có em được cấp giấy tờ tùy thân và chuyển vào học tại trường tiểu học của thị trấn,...

2. Lớp bắt đầu học sau 17 giờ mỗi ngày nhưng cứ 16 giờ là sân lớp đã vang tiếng cười đùa của các em. Lớp dành cho con em Việt kiều khá đặc biệt, nhiều em rất kém trong việc giao tiếp, ứng xử nên thầy cô hướng dẫn từ cách cư xử đến hành động. Những ngày đầu mới đứng lớp, hôm nào dạy xong, chị Duyên cũng đuối sức. Gia đình thấy chị mệt thì khuyên đừng dạy nữa nhưng vì tình thương, chị cố gắng đến bây giờ.

Cô Thía (giáo viên về hưu đang hỗ trợ đứng lớp) vận động kinh phí tặng quà cho học sinh lớp học tình thương (Ảnh: nvcc)

Không chỉ dạy học, Đoàn Thanh niên thị trấn còn thường xuyên vận động kinh phí tặng quà các em học sinh. Dịp 01/6, các thầy, cô giáo bí mật tổ chức Tết Thiếu nhi cho các em. Anh Thùy kể: “Hôm đó, chúng tôi dặn các em đi học bình thường. Các em đem theo cặp tới lớp thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bong bóng, bánh, kẹo, quà tặng, trò chơi rồi. Bạn nào bạn nấy hớn hở lắm!”.

Anh Thùy cho biết, nhờ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, lớp học tình thương mới có thể duy trì được từng ấy năm. Học sinh ở lớp hầu như em nào cũng có hoàn cảnh rất khó khăn nên Đoàn Thanh niên thị trấn luôn cố gắng vận động và sẵn sàng đón nhận mọi sự hỗ trợ của mạnh thường quân giúp đỡ nhằm giúp các em có động lực đến lớp.

Mỗi ngày, dù mưa hay nắng, trong năm học hay dịp nghỉ hè thì lớp học tình thương ở thị trấn Tân Hưng cũng sáng đèn mỗi tối. Mấy mươi em nhỏ từ 7 - 15 tuổi cặm cụi gò từng nét chữ, mơ về một ngày tươi sáng của tương lai./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết