Tiếng Việt | English

10/06/2020 - 06:34

Luật Biên phòng có tầm chiến lược trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, xuất phát từ những vấn đề chiến lược, lâu dài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất cần ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuần tra bảo vệ an ninh trật tự và đường biên giới Tổ quốc. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuần tra bảo vệ an ninh trật tự và đường biên giới Tổ quốc. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Luật Biên phòng Việt Nam có tầm đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó là khẳng định của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội.

Thông tin về kết quả chuẩn bị Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và yêu cầu của thực tiễn, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật.

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục soạn thảo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Ngày 19/12/2019, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 266/BC-BTB về thẩm định dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ theo quy định.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2020 của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 16/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đến ngày 19/6, Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường.

Tại buổi gặp mặt, đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí đặt câu hỏi chung quanh những vấn đề như tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; nhiệm vụ Biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng và biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; về duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; về kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu…

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuần tra bảo vệ cột mốc, đường biên giới Tổ quốc. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuần tra bảo vệ cột mốc, đường biên giới Tổ quốc. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trả lời câu hỏi của báo chí, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, biên giới nước ta trải dài hơn 5,000km trên đất liền và 3.260km bờ biển đi qua 44 tỉnh, thành phố với 239 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 1.109 xã, phường, thị trấn.

Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên tình hình thế giới và khu vực luôn có những diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới; quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, đấu tranh với các loại tội phạm về chính trị và trật tự xã hội.

Thực tiễn hơn 61 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang thực hiện có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Tuy nhiên, hiện các nội dung trên chưa được quy định trong Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật liên quan.

Vì vậy, chưa đủ cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến Bộ đội Biên phòng, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Một số quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng không được quy định trong Pháp lệnh mà quy định tại các luật khác và văn bản dưới luật dẫn đến khó theo dõi, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng của Bộ đội Biên phòng...

Theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, xuất phát từ những vấn đề chiến lược, lâu dài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất cần ban hành một văn bản luật có tính pháp lý cao để xác định rõ, cụ thể trách nhiệm, quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ của các ban, ngành, lực lượng đối với nhiệm vụ công tác biên phòng, đó chính là Luật Biên phòng Việt Nam.

"Đây là những lý do và sự cấp thiết để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Quốc hội Dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV để sớm thông qua và ban hành Luật Biên phòng Việt Nam," Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết