Tiếng Việt | English

09/04/2024 - 11:33

Mã số vùng trồng: 'Chìa khóa' mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu

Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc nông sản là cần thiết đối với mỗi sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Do đó, để nông sản vươn xa, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh xây dựng và cấp mã số vùng trồng (MSVT).

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Tân Thạnh

Nhiều tín hiệu tích cực

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền rộng rãi về vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng MSVT trong sản xuất nông nghiệp, các quy định về cấp và quản lý MSVT. Từ đó, nông dân hiểu và chủ động tham gia xây dựng MSVT.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 292 lượt MSVT với tổng diện tích 13.568,98ha được xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc. Trong đó, thanh long có 228 mã số, chanh có 40 mã số, dưa hấu có 13 mã số, sầu riêng có 5 mã số, xoài có 2 mã số, chuối có 2 mã số, khoai lang có 1 mã số, mít có 1 mã số. Ngoài ra, toàn tỉnh có 164 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nông sản.

Nhờ được cấp MSVT, những năm gần đây, giá sầu riêng tăng lên rất cao, bình quân khoảng 120.000 đồng/kg, có thời điểm hơn 200.000 đồng/kg. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập và giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất.

Với 1,5ha sầu riêng được cấp MSVT, anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) bán sầu riêng thuận lợi và giá cao hơn. Bên cạnh đó, việc liên kết thành công với các công ty thu mua cũng góp phần giúp gia đình anh hạn chế được tình trạng “thừa hàng, dội chợ” và bị thương lái ép giá mỗi khi thu hoạch.

“Theo tôi, để xây dựng và giữ vững được MSVT, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Cùng với đó, nông dân cần từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vườn sầu riêng của mình nhằm giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm” - anh Khoa chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa, hiện nay, bên cạnh chất lượng, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Xây dựng MSVT là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sầu riêng, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường.

Toàn huyện Thạnh Hóa hiện có hơn 600ha chanh, tập trung ở xã Thuận Bình, Tân Hiệp. Trong đó, có hơn 103ha chanh ứng dụng công nghệ cao và 165ha chanh được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực xây dựng MSVT cho cây chanh nhằm ổn định đầu ra.

Ông Trương Văn Tư (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết, ông hiện là thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Thành. Từ khi tham gia HTX, ông được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, VietGAP và GlobalGAP; đồng thời, được kết nối với HTX Nông nghiệp Xanh (tỉnh Tiền Giang) để tiêu thụ nông sản.

Ông Tư nói: “Khi sản xuất theo quy trình VietGAP, nông sản bảo đảm chất lượng và có đầu ra ổn định, giá tiêu thụ cũng cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Khi ứng dụng quy trình sản xuất này, nông dân chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học, giúp bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, HTX tích cực phối hợp ngành Nông nghiệp huyện để xây dựng MSVT cho cây chanh”.

Để nông dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng

Nông dân trồng chanh huyện Thạnh Hóa tích cực xây dựng mã số vùng trồng nhằm ổn định đầu ra

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nông sản được mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp các địa phương tuyên truyền cho nông dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia cấp MSVT để nông dân tự nguyện đăng ký.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người sản xuất để thực hiện đúng quy trình sản xuất và các quy định khác của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương vận động người sản xuất tham gia các tổ hợp tác, HTX để thuận lợi cho việc cấp MSVT cũng như trao đổi, mua bán sản phẩm sau thu hoạch. Ngoài ra, tăng cường công tác mời gọi doanh nghiệp tham gia cùng người sản xuất thực hiện cấp MSVT và thu mua sản phẩm sau khi vùng trồng được cấp mã số. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất và mạnh dạn đăng ký tham gia.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc xây dựng và cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. MSVT chính là “giấy thông hành” và là “chìa khóa” để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào các nước.

“Không riêng nông sản xuất khẩu mới cần truy xuất nguồn gốc mà nông sản tiêu thụ nội địa cũng cần bảo đảm vấn đề này. Do đó, việc xây dựng và cấp MSVT rất quan trọng. Các địa phương phải quan tâm, hỗ trợ các chủ thể, nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường quản lý MSVT, mã số cơ sở đóng gói, bảo đảm các MSVT, mã số cơ sở đóng gói đã cấp và sẽ cấp đáp ứng tốt yêu cầu của các nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.

Bùi Tùng - Hoàng Tuân

Chia sẻ bài viết