Tiếng Việt | English

01/01/2016 - 08:55

Mạnh từ biển, giàu lên từ biển

Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển thành ngành mũi nhọn

Những năm gần đây, châu Á thức tỉnh mới về biển, trong đó nổi bật là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…, đều đề ra chiến lược và chương trình hành động biển. Riêng 2015 tiếp tục là năm diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc về biển trong việc chiếm lĩnh nguồn tài nguyên hoặc tranh chấp quyền chủ đạo trên biển.


Ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản và bảo vệ ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam Ảnh: Tử Trực

Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng quốc tế. Tình hình càng trở nên căng thẳng với việc Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa và xúc tiến xây dựng các tổ hợp quân sự trên các đảo này với mục tiêu mở rộng khả năng kiểm soát, thay đổi nguyên trạng biển Đông, giành quyền chủ đạo và nhằm khống chế các tuyến hàng hải quan trọng ngang qua vùng biển này. Phản ứng Bắc Kinh, Washington triển khai chương trình Tự do hàng hải (FON) nhằm bảo vệ nguyên trạng biển Đông cũng như quyền qua lại của tàu chiến trên biển và máy bay trên không.

Các lợi ích an ninh, hòa bình và phát triển của Việt Nam liên quan trực tiếp đến tình hình biển Đông. Chúng ta đã tham gia cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh vì hòa bình, ổn định và sự nguyên trạng của biển Đông. Chính phủ đã thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng chấp pháp trên biển, gắn việc nâng cao năng lực phòng thủ biển, bảo đảm an ninh biển với thực hiện chiến lược biển được Đảng và nhà nước đề ra những năm qua.

Ngày 22-11-2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tổ chức ở Kuala Lumpur (Malaysia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này”.

Từ năm 2013, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nêu bật lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết vấn đề biển Đông và phát triển kinh tế biển nước ta. Thủ tướng xác định phương châm hành động của Việt Nam trong vấn đề biển Đông là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Đáng nhớ, vào ngày 22-5-2014, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông”.

Thể hiện tầm nhìn chiến lược quốc gia trong kỷ nguyên đại dương, tại Diễn đàn Kinh tế Biển Lisbon nhân “Tuần lễ Biển 2015” diễn ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) từ ngày 3 đến 5-6-2015, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ “Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á, có trên 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2. Chúng tôi có mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển”.

Hiện khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối Đông Bắc Á với châu Âu. Nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta không thể hợp tác kinh tế biển thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa; các hoạt động trái phép, trái với luật pháp quốc tế, nhất là các hoạt động tôn tạo quy mô lớn, không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các thỏa thuận khu vực sẽ làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải - hàng không, đe dọa môi trường hợp tác giữa các nước về biển và phát triển kinh tế biển.

Giai đoạn mới của hội nhập quốc tế, người Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về biển trong vận mệnh phát triển quốc gia, dân tộc; hòa vào cuộc thức tỉnh mới về biển mà các quốc gia khác đang theo đuổi. Muốn bảo vệ được chủ quyền biển đảo, phải làm cho nước ta “trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển” như Thủ tướng đã khẳng định...

TS Nguyễn Ngọc Trường/nld.com.vn

Chia sẻ bài viết