Tiếng Việt | English

10/10/2021 - 14:31

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc," do vậy việc chú trọng rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề luôn được Đảng đặc biệt chú trọng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Một trong những nội dung được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) xem xét, quyết định là việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ thực tiễn 4 năm thực hiện Quy định số 115, ngày 07/12/2007 của Bộ Chính trị (khóa X), Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã ban hành Quy định số 47, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về những điều đảng viên không được làm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ thực tế gần 10 năm triển khai thực hiện vừa qua cho thấy, các quy định này là rất cần thiết; những nội dung của Quy định đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng...

Kiên quyết đẩy lùi suy thoái

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc," do vậy việc chú trọng rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề luôn được Đảng đặc biệt chú trọng.

Một trong những bài học quý báu được Đảng chỉ ra trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đó là "công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ."

Cùng với chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng về đạo đức là một điểm sáng trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Bộ Chính trị ban hành Quy định 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, chỉ rõ 8 nội dung các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 8 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống; đồng thời, yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm cụ thể của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt.

Chỉ tính trong gần 5 năm của nhiệm kỳ XII (từ năm 2016 đến 30/9/2020) qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.177 tổ chức đảng và 64.809 đảng viên bằng các hình thức khác nhau. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.027 đảng viên. Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 150 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 57 đảng viên, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 27 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội và Công an.

Có thể thấy rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm đã bị xử lý, nhưng có một nguyên nhân gốc rễ đã được Đại hội XIII chỉ ra, đó là "việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống."

Chính vì vậy trong nhiệm kỳ khóa XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Trong đó Đảng khẳng định "Kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên định những nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng."

Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa "xây" và "chống," lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái.

Trong xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng ta xác định kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Không ngừng học Bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém." Do vậy, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, qua nhiều thời kỳ. Gần đây nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao.

Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị Trung ương 4. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, việc đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để từ đó lan tỏa những tấm gương, những nghĩa cử, những hành động đẹp trong xã hội đã được các cấp, ngành trong cả nước chú trọng thực hiện. Khắp mọi miền đất nước, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi không khó thấy những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, đầy sáng tạo, tô thắm thêm những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Chính phủ, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực. Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Quân ủy Trung ương phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng các mô hình: “Tự soi, tự sửa,” “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng.”

Đảng ủy Công an Trung ương có cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ,” Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa phương trong cả nước. Ban Dân vận Trung ương có phong trào thi đua “Dân vận khéo.” Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.”

Nhiều địa phương đã có những các cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong việc đưa Chỉ thị 05-CT/TW vào cuộc sống. Đó là mô hình “Mỗi đảng viên đóng góp, giúp đỡ một gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cá nhân gắn liền với một địa chỉ nhân đạo” của Đồng Tháp; Mô hình “gần dân, sát dân và giúp dân” của Bình Dương; Mô hình “Nhân dân đăng ký 3 nội dung: Treo ảnh Bác nơi trang nghiêm trong nhà, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông”; “Sư cả và Ban quản trị chùa học tập và làm theo Bác” của Vĩnh Long...

Tại Bình Dương, mô hình “Gần dân, sát dân,” “Gần dân, sát dân và giúp dân”, “Gần dân, sát cơ sở” của Đảng bộ Bến Cát, Bàu Bàng, Dĩ An, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên đã tạo sự gắn kết mật thiết giữa tổ chức Đảng, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Đặc biệt, từ năm 2020, trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước chống lại đại dịch. Ở những công việc, vị trí khác nhau, mỗi người đều có cách của riêng mình để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh, lan tỏa sâu đậm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong tư tưởng của Người.

Những kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ." "Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ."

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Trong đó chỉ rõ: Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn. Thực hiện đồng bộ giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền."

Trong thực tế, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có tầm ảnh hưởng rất lớn, để từ đó người dân thêm tin yêu Đảng. Còn nhớ trong vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020, vào những thời khắc khó khăn, sinh tử, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man- vị tướng của Quân khu 4 đã lựa chọn sự dấn thân vì dân, vì nước.

Câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khi báo cáo với Thủ tướng về người đồng đội của mình: “Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” đã gây xúc động mạnh trong lòng quân, dân cả nước. Hay trong bối cảnh gần 2 năm cả nước chống chọi với đại dịch COVID-19, không thể kể hết những tấm gương xung phong, tình nguyện, những nghĩa cử cao đẹp của các cán bộ, đảng viên cùng cả hệ thống chính trị và người dân sớm nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân.

Việc kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ có tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên- cái gốc quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết