Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 08:47

Mùa nước nổi đang về

Ảnh: Duy Bằng

Chúng tôi chạy xuồng máy đuôi tôm trên cánh đồng mênh mông biển nước, nơi giáp ranh giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia. Quên đi cái ướt lạnh, cái sợ những con đỉa đang bơi vòng vòng xung quanh, lòng cảm thấy thật sự xúc động và vui sướng khi bàn tay mình lần trúng rồi vuốt ve từng góc cạnh còn nguyên vẹn của cọc ghi dấu hiệu đường biên giới.

Đời người lính biên phòng nơi miền Tây Nam bộ gắn bó với mảnh đất, con người ở đây và cũng gắn bó luôn với những mùa nước nổi.

Bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười Âm lịch hàng năm, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngập tràn các cánh đồng nơi hạ nguồn châu thổ. Cứ âm thầm, dịu nhẹ, nước dâng lên dần đều, đưa cả miền Tây nổi bồng bềnh trên một nền trắng bạc. Và mùa nước nổi nơi đây mang theo những sản vật tự nhiên dâng tặng cho con người.

Nước về, lại đúng mùa đẻ trứng nên các loài thủy sản như cá, tôm, cua, lươn, chạch,... đua nhau sinh nở. Xuất hiện sớm và nhiều nhất có lẽ là cá linh. Cá linh non đầu mùa lớn rất nhanh, tuần trước mới chỉ bằng chân nhang, tuần sau đã to bằng đầu đũa, đều tăm tắp. Theo người dân nơi đây, cá như vậy là đã bắt đầu khai thác được. Cá linh làm món lẩu mắm ăn với kèo nèo, bông súng, bông điên điển hay kho nước dừa cuốn bánh tráng, rau sống đều ngon.

Nhà anh Năm đóng đáy ở trước cửa trạm biên phòng, trên sông Cái Cỏ, cứ 2 tiếng lại đổ đáy một lần. Có mẻ hàng chục kilôgam, đổ ra nửa khoang xuồng ba lá, trắng sáng cả một góc sông. Bán không xuể, mà giá cũng rẻ như cho, bởi vậy má anh làm vài chục khạp nước mắm, để quanh vườn. Ấy là hồi xưa, khi thượng nguồn chưa bị khống chế bằng các đập thủy điện và môi trường còn trong sạch. Còn bây giờ, cá linh non đầu mùa rất ít, thành ra đặc sản, theo chân những chuyến xe tốc hành xuôi về thành phố.

Mùa nước nổi, những cánh đồng mới ngày nào còn xanh tươi bát ngát, thẳng cánh cò bay, bây giờ đã ngập chìm trong nước, có chỗ cắm lút cây sào. Nơi đây trở thành ngư trường mong đợi cho những người nông dân làm ăn, kiếm sống suốt mấy tháng ròng.

Người dân Đồng Tháp Mười có nhiều cách đánh bắt thủy sản nhưng chủ yếu vẫn là giăng lưới, đặt dớn để đón bắt cá, tôm đi theo dòng nước. Với tôi, thú vị nhất là những lần theo anh Hai đi giăng lưới ban đêm. Đầu hôm thả tay lưới dài gần cả ngàn mét xuống nước rồi nằm trên xuồng, ngắm sao trời chờ đợi. Giữa trời nước mênh mang, trăng thanh gió mát, chúng tôi ngủ lúc nào không hay. Tới khoảng 3 giờ sáng, nghe tiếng cá giãy lạch đạch bên cạnh, giật mình thức dậy đã thấy anh Hai cuốn phân nửa tay lưới, cá lưng lửng khoang xuồng. Hỏi, sao anh cuốn sớm vậy? Anh Hai nói: Nghe tiếng cá vô lưới nhiều thì cuốn sớm một chút, còn để dành phần cho người khác. Tôi phụ anh Hai cuốn phần lưới còn lại, thích nhất là gỡ từng con cá ú mập ra khỏi mắt lưới. Mà lạ, lần ấy, chúng tôi trúng toàn cá trê vàng với mè vinh. Cuốn lưới xong, hai anh em chạy xuồng trở về khi trời mới đang hửng sáng.

Ở những nơi mà năn, lác, cây cỏ mọc nhiều lại là chỗ trú ngụ của những loài “cá đen”, lươn, hay rắn,... Và nơi đây là địa bàn hoạt động của những tay bắt cá “có nghề”. Họ có thể từ vùng Tứ giác Long Xuyên bên Chợ Mới, Châu Đốc mà chạy xuồng hàng trăm kilômét qua vùng Đồng Tháp Mười để làm nghề đặt xà di bắt cá rô hay đặt trúm bắt lươn. Mỗi đêm, họ kiếm cả chục ký cá rô, lươn đồng.

Mấy anh em biên phòng chúng tôi cũng theo học bà con, làm chục cái cần câu cá lóc, cắm xung quanh trạm, sáng sáng đi thăm cũng đủ nồi canh chua nấu lá me non hay cơm mẻ.

Nhớ mùa nước nổi hồi đó, phương tiện đi công tác chủ yếu là xuồng. Mỗi lần xuống ấp, chúng tôi thường ghé nhà má Sáu để nắm tình hình và bàn chuyện công việc. Gặp má, chúng tôi vẫn thường nghe một câu quen thuộc và còn nhớ mãi. Má nói: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, xuống bến bắt cá nấu cơm cho các anh ăn nghe”. Rồi những ngày rảnh rỗi, ghé anh Hai, thể nào cũng có món cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng lu hay cá mè vinh nướng chấm nước mắm me tươi, nhâm nhi vài ly rượu đế. Chính những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc mà ấm áp nghĩa tình quân - dân ấy đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi gắn bó với địa bàn biên giới.

Mùa nước nổi, nhớ lắm những lần chèo xuồng cùng em đi hái bông súng, điên điển. Những cọng bông súng tuy mềm mại nhưng lại ẩn chứa một sức sống mãnh liệt như những con người miền Tây nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nước lên tới đâu, cọng bông súng vươn lên đón ánh mặt trời tới đó. Và khi bông súng vừa chớm nở thì cũng là lúc hái tốt nhất. Lúc này vị bông súng vừa giòn, vừa ngọt...

Cũng là loài hoa đặc trưng trong mùa nước nổi như bông súng, điên điển vừa ngon và bổ dưỡng, vừa dâng tặng cho đời những sắc màu độc đáo của thiên nhiên. Trong sắc xanh non tơ của lá, những cành bông điên điển vàng tươi đung đưa trong nắng, gió tạo nên một cảnh sắc vô cùng thơ mộng của miền Tây trong mùa nước nổi.

Cũng trong những lần đi hái bông súng, bông điên điển ấy, tôi đã cùng em giao duyên những lời ca vọng cổ. Để rồi tình yêu chớm nở. Mùa nước nổi qua đi để lại phù sa tốt tươi trên cánh đồng và tình yêu của chúng tôi cũng đơm bông, kết trái.

Lại một mùa nước nổi nữa đang về.../.

Tản văn của Nguyễn Hội

Chia sẻ bài viết