Tiếng Việt | English

26/08/2015 - 17:15

Mùa Vu lan tản mạn chữ Hiếu

Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh, hiếu (chữ Hán) bao gồm chữ tử (con) đội chữ lão (già) đứng trên, ý nói làm con phải phụng dưỡng cha mẹ. Không riêng Phật giáo mà xã hội chấp nhận khá rộng rãi khi nói đến Tiết (Tết) Vu lan là nói tới đạo Hiếu, một phong tục tốt đã thành truyền thống, mỗi năm cứ vào tháng Bảy âm lịch là đây đó râm ran việc báo hiếu.

Theo quan niệm Phật giáo, hiếu là hiếu với cha mẹ đời này và các đời trước, tức hiếu đối với chúng sinh,… Ơn thì có ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn đất nước,… Vu lan là kinh Vu lan, phiên âm từ phạn ngữ Ullambana nói lên nỗi đau khổ cùng cực của chúng sinh do nghiệp ác của chính mình gây ra nên Phật dạy ngày này con cháu cần cầu siêu cho ông bà, cha mẹ đã khuất và cầu phúc (nếu còn sống), vì đây là ngày “Xá tội vong nhân” (xá tội cho các vong linh người chết). Từ quan niệm ấy, ta dễ liên tưởng đến bài “Văn tế cô hồn thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô…”.

Trong Phật giáo có sự tích Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của Phật Thích Ca, nổi tiếng rất có hiếu với cha mẹ. Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên đã vận hết các phép thần thông sở đắc của mình qua vô vàn khó khăn mà không thành công, Phật dạy phải chờ đến rằm tháng Bảy là khi các chư tăng hội về sau kỳ an cư kiết hạ, dựa vào nghiệp lành của cả chúng tăng nhất tâm hồi hướng thì mới mở được cửa ngục thứ 9, cứu được vong linh cha mẹ. Mục Kiền Liên làm theo lời dạy bảo ấy và đã thành công.

Từ sự tích này mà Tiết Vu lan ra đời, trở thành tục lệ “xá tội vong nhân”, nhắc nhở con cháu sống cho trọn đạo hiếu với mẹ cha đang sống hoặc cầu siêu cho vong linh người thân đã khuất để bày tỏ lòng nhớ ơn,… Tại lễ Vu lan ở các chùa thường có nghi lễ “Bông hồng cài áo”. Những ai còn cha còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ. Những ai mồ côi thì đón lấy đóa hồng trắng và được mọi người an ủi, sẻ chia,…Cũng tại các chùa, vào rằm tháng Bảy chính thức hành lễ Vu lan, thường có phát quà cùng các hoạt động từ thiện khác.

Người Việt Nam ai cũng biết chữ hiếu xuất phát từ học thuyết Khổng giáo ra đời vào cuối thời Xuân Thu (từ 770-470 trước công nguyên). Cốt lõi của học thuyết này ban đầu là tam cang ngũ thường. Trong đó, tam cang gồm 3 mối quan hệ cơ bản: Vua-tôi, cha-con, chồng-vợ. Bề tôi đối với vua thì phải “trung”; con cái đối với cha mẹ thì phải “hiếu”; chồng vợ đối với nhau thì phải thủy chung, “phu tử tòng tử”, chồng chết thì sống theo con chứ không được tái giá. Ngũ Tử Tư được coi là trung thần điển hình của Trung Quốc cổ đại, hết lòng phục vụ vua Ngô Hạp Lư. Nhưng rồi cũng chính Ngũ đem quân Ngô trở về tiêu diệt nước Sở là quê cha đất tổ của Ngũ, và sai quật mả vua Sở Bình Vương đem nắm xương tàn lên đánh 300 roi để trả mối hận trước đó ông vua này nghe lời gièm pha giết chết cha Ngũ là Ngũ Xa và anh ruột Ngũ là Ngũ Thượng. Đây là cách trả hiếu của Ngũ Tử Tư và cũng là kiểu của phong kiến Trung Quốc xưa. Riêng VN ta thì có khác,…

Lịch sử Việt Nam đã từng chép lời An Sinh Vương Trần Liễu trước khi qua đời đã gọi con là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đến, trăn trối: “Nếu con không vì cha mà lấy thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”. Trần Quốc Tuấn vốn “thông minh hơn người, đọc đủ các sách, có tài văn võ” như sử gia Ngô Sĩ Liên cùng thời đã nhận xét, có vì chữ “hiếu” nho gia mà hành xử theo lời cha không?

Trước hết, Vương gặp riêng 2 gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng để thăm dò,… và cả 2 đều can: “Làm kế ấy tuy được phú quý một lúc mà để lại tiếng xấu ngàn năm,… Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô hơn là làm quan mà không có trung hiếu”. Vương lại hỏi con trưởng là Hưng Võ Vương: “Ngày xưa có được thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”.

Hưng Võ Vương thưa: “Nếu là họ khác còn không nên, huống chi cùng một họ”. Vương hỏi con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng thưa: “Tống Thái Tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận đã có được thiên hạ. Cha nên theo lời ông nội”. Nghe vậy, Vương liền rút gươm chỉ mặt Quốc Tảng: “Kẻ làm tôi phản loạn là do đứa con bất hiếu này!

Nghe tiếng quát, Hưng Võ Vương bèn chạy đến quỳ xin cha tha tội cho em, Vương mới tra gươm vào vỏ và nói: “Sau này ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên NXB KHXH Hà Nội 1971, tập 2.tr.89-90).

Rõ ràng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã lấy “đại hiếu” đối với Tổ quốc khi Tổ quốc đang đối mặt với đội quân xâm lược Nguyên-Mông cực kỳ hùng mạnh và hung bạo, rất cần có sự vua tôi đoàn kết - trên dưới một lòng. Và sự thật Đức Thánh Trần đã hành xử đúng đạo trung hiếu với vua, với dân với nước.

Sử xưa cũng chép, đời Lý, hằng năm các quan trong triều đều phải đến miếu Đồng Cổ để tuyên thệ “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì sẽ bị trời tru đất diệt”. Triều Nguyễn, vua Tự Đức nổi tiếng có hiếu với mẹ. Mẹ vua là bà Từ Dũ dạy gì vua đều chép vào quyển Từ huấn lục nấy.

Có lần, vua nhận lỗi với mẹ bằng cách nằm mọp xuống đất, đặt cái roi lên lưng. Dưới triều Tự Đức còn có Tam nguyên (đỗ đầu ba khoa Hương, Hội, Đình) Trần Bích San (1840-1878) làm quan phủ An Nhơn (Bình Định). Thấy dân bán lụa đậu ba rất đẹp, quan nhớ mẹ liền mua một tấm, sai lính đem về Nam Định biếu mẹ, thể hiện lòng hiếu của quan. Mẹ quan nghiêm khắc: “Làm quan phủ, bổng lộc không mấy, tiền đâu mua lụa? Từ Bình Định về đây đường xa vạn dặm, sao bắt lính hầu phải vất vả vì mình? Lòng liêm chính đâu? Lòng nhân ái đâu?”.

Mặc cho anh lính hầu giãi bày, cụ bà vẫn khước từ, bắt phải mang lụa về trả cho quan phủ. Khi anh lính hầu dâng lụa và trình bày sự việc, quan phủ mở gói lụa, thấy có cây roi, liền thay mũ áo chỉnh tề, nằm xuống đất, đặt cây roi lên lưng. Khoảng 1 khắc (15 phút) sau, quan đứng dậy, hướng về quê mẹ lạy tạ tội 4 lạy, rồi treo chiếc roi mây bên cạnh ghế ngồi để răn mình suốt đời làm quan phải sống liêm khiết, nhân hậu.

Cho hay chữ hiếu cũng có ba bảy đường và thời nào cũng cần phải có./.

*Trong bài có sử dụng tư liệu của tạp chí Văn hóa Phật giáo (số 231) và Thế giới trong ta (số 214)

Quế Hương

 

Chia sẻ bài viết