Tiếng Việt | English

28/02/2023 - 00:00

Muội

Anh ngồi cạnh bên, âu yếm nắm nhẹ tay tôi. Tôi cười mà nước mắt tuôn dòng trên má. Anh dùng ngón tay khẽ khàng xoa nhẹ má tôi, lau mước mắt.
- Nín đi Muội. Vừa khóc, vừa cười xấu lắm, em biết không?
Anh cầm tay tôi áp vào lồng ngực thì thầm:
- Làm ơn chữa lành bệnh tim cho anh trước khi điều trị người khác em nhé!

Ảnh: Internet

Tôi quen biết anh ngay ngày đầu tiên khăn gói từ Vĩnh Hưng về Tân An (tỉnh Long An) để học. Anh gặp tôi lúc tôi đang lơ ngơ hỏi tìm nhà trọ. Anh đưa tôi đến một khu nhà cho sinh viên ở trọ mà sau này tôi mới biết là tử tế và an ninh nhất trong các khu cho thuê. Khi hai đứa đã thân nhau, anh bảo:

- Trông em lúc ấy ngơ ngơ ngác ngác tội lắm! Anh định đi luôn nhưng cái mặt ai kia thấy ghét quá nên bước đi không đành. Ây da, thiệt là “ách giữa đàng, mang vào cổ”.

Tội bặm môi tức tối, đấm vào hông anh mấy đấm khiến anh la ôi ối vì đau.

- Ối trời ơi! Ai nói người đẹp đánh hổng đau; chắc anh bị gãy ba tép sườn một lượt. Nói cho em biết, anh bị tàn phế là em phải nuôi anh suốt đời đó nghen.

Tôi chúm môi, chun mũi lêu lêu:

- Được thôi! Em sẽ bắt cào cào châu chấu mớm cho anh mỗi ngày, chịu hôn?

Anh nheo mắt, cười cười trêu lại:

- Ăn cái gì cũng được, miễn là em... mớm... mớm... cho anh.

Tôi đỏ mặt quay đi. Anh chỉ giỏi ăn hiếp người ta thôi!

... Ba năm trôi qua với thật nhiều kỷ niệm ngọt ngào. Con bé nước da ngăm đen, tóc khét nắng đỏ quạch của miệt đồng bưng ngày nào giờ đã thành tiểu thư thị thành xinh đẹp, duyên dáng. Tôi cố gắng học thật tốt dù phải tốn không ít thời gian, tâm trí cho người dưng thân quen ấy. Anh cứ theo gặng hỏi tôi: Em có yêu anh thật không? Và lần nào tôi cũng đáp lời anh bằng nụ cười với hai cái răng khểnh. Anh dằn dỗi như trẻ con:

- Ngày sinh nhật anh mà xin về sớm một tiết em cũng không chịu, kỷ niệm ngày yêu nhau em cũng không nghỉ một ngày để đi chơi. Thật tình mà nói, trong lòng em có chỗ nào dành cho anh không?

Tôi bối rối, nghiêng đầu:

- Anh xúi em cúp học á hả? Yêu nhau là để hai đứa tốt hơn, hoàn thiện mình hơn. Anh không muốn em tốt hơn, hoàn thiện hơn à?

Anh nhăn mặt, mím môi:

- Dĩ nhiên là anh muốn như vậy... nhưng mà anh thấy... anh có cảm giác như em dửng dưng với anh... mà cũng không đúng. Anh biết nói thế nào cho chính xác đây. À, giống như em dành tình cảm sâu nặng nhất cho ai khác, còn anh thì chỉ xếp hàng thứ hai.

Tôi cười phì nói anh lẩm cẩm, rồi tìm chuyện khác nói cho qua.

Anh đâu biết tôi còn trách nhiệm nặng nề với ba má, với các em tôi. Mỗi hạt gạo tôi mang lên nhà trọ để ăn thấm mặn mồ hôi của ba tôi giữa nắng chang mưa dội. Con mắm má tôi dỡ theo mặn mòi hơn bởi tình yêu thương chăm chút của người mẹ nghèo tần tảo quanh năm lo cho bầy con dại. Anh đâu hiểu nỗi ray rứt trong lòng tôi. Yêu anh là tôi đã không giữ trọn lời khấn nguyện của lòng: Phải dốc toàn tâm, toàn ý để học cho thật tốt. Học ra học. Yêu ra yêu. Khó khăn lắm mới dung hòa được hai cái trái khoáy ấy trong một con người mà bản chất vốn hết lòng, hết sức như tôi.

Cuối cùng, tôi tốt nghiệp trường trung cấp y tế với tấm bằng màu đỏ. Ba má tôi mừng chảy nước mắt vì lo được cho tôi đến bờ đến bến. Bà con hàng xóm ai cũng vui mừng vì xứ nghèo quanh năm nước nổi quê tôi giờ có được một y sĩ chánh gốc. Anh tặng tôi xấp lụa vàng hoa cúc để may áo dài.

- Màu áo này hợp với em và một chầu kem cho em ăn tới chừng nào biến thành bức tượng băng đăng luôn.

Tôi tấn công liên tục vào ly kem năm màu mát lạnh, còn anh vừa ăn, vừa nghía tôi hồi lâu mới nói:

- Anh đã nói với ba anh xin cho em về làm ở bệnh viện đa khoa của tỉnh ở TP.Tân An.

- Hả? - Tôi tròn mắt nuốt muỗng kem suýt sặc.

Anh bật cười, mắt lấp lánh niềm vui:

- Cả nhà anh ai cũng biết anh quen em. Ba mẹ anh biểu anh đưa em về nhà chơi hoài mà anh không nói cho em biết.

Tôi không nói gì, chỉ nhướng mắt ý hỏi. Anh cầm tay tôi, siết nhẹ:

- Anh đưa ai về nhà là người ấy phải ở đó luôn, mà cái tính bướng của em dễ gì em chịu đi. Ba mẹ anh nói, em vô làm xong hai đứa sẽ làm đám cưới.

- Anh... anh cưới em? Tôi cũng không biết sao mình hỏi vậy, có lẽ vì quá đỗi bất ngờ nhưng lòng bồi hồi với bao cảm xúc đan xen. Anh yêu thương tôi thật lòng, còn hạnh phúc nào hơn thế.

- Chứ hổng lẽ anh cưới con mèo ở nhà em trọ - Anh nhìn tôi trìu mến, cười ngọt ngào.

Tôi lặng thinh một lúc rồi chậm rãi nói với anh:

- Em chưa nói gì với ba má em hết, vả lại... - Tôi cúi đầu, tránh ánh nhìn đăm đắm của anh - em không thể lấy chồng ngay khi mới ra trường.

- Em nói sao? Ý em muốn nói là... không nhận lời cầu hôn của anh phải không? - Đôi mắt anh như to hơn, đen hơn vì thương tổn.

- Không, không phải như vậy. Em không thể ở lại thành phố, em không thể làm đám cưới với anh liền được bởi vì...

- Anh hiểu rồi, em không cần giải thích gì thêm nữa. Thì ra anh đã ngộ nhận, anh vẫn nghĩ là em cũng yêu anh sâu nặng như anh yêu em hay ít ra cũng gần bằng như thế. Có cái gì cản trở em? Biết bao người ra trường xin xỏ, chạy chọt để ở lại thành phố mà không được. À, em muốn về quê cùng ai đó thì thôi anh chẳng còn gì để nói.

Tôi lặng lẽ đạp xe về một mình, nước mắt rớt dọc đường đi. Cũng may trời tối nên không ai nhìn thấy. Anh không thèm nghe tôi giãi bày, không chịu nhìn vào mắt tôi để thấy trong đó chỉ có hình bóng anh duy nhất. Anh đâu biết ba má tôi phải cực khổ, thắt lưng buộc bụng đến thế nào để dành dụm tiền cho tôi đi học. Các em tôi, những đứa trẻ đen nhẻm mốc phèn, những người dân lam lũ nắng gió cần một trạm xá với y sĩ có tâm hết lòng, hết sức; bà con chòm xóm trông ngóng tôi như một người thân thì làm sao tôi có thể...

- Em không về thì cũng có người khác đến làm công việc ấy, lý do đó không hợp lý, chính đáng chút nào.

Anh giận dữ bỏ đi, quên mất cái đứa mà anh nói yêu thương nhất trên đời cách đây mấy phút. Có lẽ anh nói không sai. Anh được sinh ra và lớn lên trong gia đình công chức, được cha mẹ nâng niu. Cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần và đi học, thành đạt là chuyện bình thường hiển nhiên nên anh không thể nào hiểu được. Không có mợ thì chợ vẫn đông, nhưng anh ơi, em không đành lòng phụ bỏ ước mơ của em, ước mơ nhỏ bé mà em xây đắp từng ngày, từng ngày bơi xuồng hơn mười cây số để đến trường: được tự mình chăm sóc sức khỏe cho những người dân quê chân chất vốn sợ bệnh viện hơn sợ chết. Má em mắt hõm sâu lo chạy tiền, bán lúa non cho em có đủ học phí vào trường trung học y tế; ba em trằn trọc, điếu thuốc đỏ trên tay nhiều đêm khi quyết định cho đứa em trai kế nghỉ học đi làm thuê để phụ nuôi em ba năm ròng. Em yêu anh biết bao nhưng nếu làm theo lời anh thì em không còn là con bé Muội hết ý, hết lòng trước sau như một.

Cầm quyết định về quê trên tay, bước lên xe đò mà mắt tôi cứ ngóng về phía cổng ra vào. Người ta hằng hà nhưng không phải là anh. Anh quên em thật rồi, anh không đến tiễn em dù chỉ là lần cuối. Xe đò chuyển bánh, tôi úp mặt vào tay khóc ngất. Thôi thì cứ yêu anh và chung thủy với tâm ý của chính mình.

Bàn tay ai đó đặt nhẹ lên vai tôi. Tôi cúi sâu xuống lau nước mắt bằng ống tay áo, chìa tấm vé mà vẫn không ngẩng đầu lên. Ơ hay, sau không soát mà cầm tay người ta! Tôi hoảng hồn rút tay lại, ngước khuôn mặt còn nhòe nhoẹt ướt lên nhìn. Trái tim chợt nhói lên thật đau trong tích tắc rồi chùng xuống miên man trong nỗi dịu êm. Là anh thật chứ không phải tôi mơ. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng. Tôi tròn mắt đợi chờ, tay bấu chặt thành ghế.

- Cho anh về quê em một lần để mơi mốt biết đường mà đi rước dâu.

Anh ngồi cạnh bên, âu yếm nắm nhẹ tay tôi. Tôi cười mà nước mắt tuôn dòng trên má. Anh dùng ngón tay khẽ khàng xoa nhẹ má tôi, lau mước mắt.

- Nín đi Muội. Vừa khóc, vừa cười xấu lắm, em biết không?

Anh cầm tay tôi áp vào lồng ngực thì thầm:

- Làm ơn chữa lành bệnh tim cho anh trước khi điều trị người khác em nhé!./.

T.M

Chia sẻ bài viết