Tiếng Việt | English

10/05/2024 - 13:58

Năm 2023: Thiệt hại do thiên tai ước tính 9.324 tỉ đồng

Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì tại điểm cầu Long An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì tại điểm cầu Long An

Ở nước ta, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng, miền với 1.964 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của ngưi dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy, nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.

Theo thống kê, năm 2023, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính hơn 9.324 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (mưa đá, giông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ); nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển,… Từ đầu năm 2024, thiên tai làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính hơn 399 tỉ đồng.

Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông; 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa, bão; lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ Bắc Bộ ở mức báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như công tác dự báo còn chưa kịp thời; nhận thức của người dân còn chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm tại nhiều địa phương vẫn chưa làm tốt; một số quy định pháp luật còn chồng chéo, khó thực hiện; khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng còn hạn chế;…

Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai; đồng thời, xem xét tài trợ về công tác dự báo để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết