Tiếng Việt | English

09/01/2024 - 10:12

Năm Thìn phiếm chuyện rồng

Năm nay là năm Giáp Thìn cầm tinh con Rồng - con giáp thứ 5 trong số 12 con giáp (thập nhị chi). Ai cũng biết Rồng là con vật chưa ai thấy bao giờ, nhưng lại là con vật lắm chuyện qua... tưởng tượng!

Hoa kiểng được tạo hình rồng qua nghệ thuật chưng nghi (bằng hoa, lá, trái cây)

Trước hết, Rồng là Tổ nước ta

Truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” xuất phát từ Kinh Dương Vương - vua nước Xích Quỷ, họ Hồng Bàng, lấy Long Nữ - một nàng tiên đẹp... như tiên! Vợ chồng có với nhau một con trai tên Sùng Lãm. Sùng Lãm kế vị Kinh Dương Vương, lấy vương hiệu Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy tiên nữ Âu Cơ, đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con.

Một hôm, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là dòng dõi Rồng, nàng là dòng dõi Tiên. Rồng thì sống ở dưới nước, Tiên thì sống ở trên non, khắc nhau không thể sống chung được. Vậy ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên núi”.

50 con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, người con đầu được cha truyền ngôi vua, lấy vương hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang. Từ đó, anh truyền em nối đến 18 đời vua Hùng là thủy tổ dân tộc Việt. Tự hào là con Rồng, cháu Tiên. Hai chữ “đồng bào” là cả dân tộc cùng cha Rồng, mẹ Tiên sinh ra.

Rồng, tiếng Hán là Long. Vì muốn dân ta uy dũng như Rồng, thế nước như Rồng bay với sức mạnh như vũ bão, Lý Công Uẩn khi khai sáng vương triều Lý, đã dời đô từ Hoa Lư ra Hà Nội, và Hà Nội là kinh đô Thăng Long khi ngài thấy Rồng vàng từ đó bay lên. Sau Thăng Long, có hàng loạt địa danh mang tên “Long”: Sông Cửu Long (đất Chín Rồng), vịnh Hạ Long, Long An, Long Điền, Long Đất, Long Sơn, Long Khốt, Long Khánh, Long Hồ, Long Xuyên,…

Rồng trong nghề chơi kiểng

Cây tùng thế giáng long

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh - Nguyễn Văn Lộc cho biết, cặp rồng ở công viên TP.Tân An (phường 3) và cặp rồng ở trước cổng chào huyện Châu Thành (giáp ranh TP.Tân An) do ông mua ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre). Hiện cả 2 cặp kiểng rồng, mỗi con dài chục thước này đều “sống” rất khỏe và được cắt tỉa, giữ dáng rồng như lúc mới mua về (nguyên liệu là cây gừa và cây bùm sụm, bứng từng cây đưa lên xe chở về trồng lại và uốn nắn vào bộ khung thép tạo hình rồng đã cố định). 

Trong hội thi hoa kiểng vào các tết năm Rồng trước đây, tại công viên TP.Tân An (phường 3), quy tụ nhiều loại bonsai hình rồng bằng cây kiểng và các loại trái cây. Tại Lễ hội chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức tại TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long năm kia, bên cổng chào có bức chân dung ông được phóng to, đặt vào vòng tròn hình tượng 9 con rồng kết bằng các loại trái cây đặc sản miệt vườn Vĩnh Long, tượng trưng cho 9 dòng sông Cửu Long, rất ấn tượng.

Nghe nói ở Hà Nội, nghệ nhân sinh vật cảnh thích chơi cây cảnh thế long giáng. Thiển nghĩ, theo chữ Hán, ta nên gọi “giáng long” (rồng từ trời bay xuống), đối với “thăng long” (rồng từ đất bay lên). Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm 1010, mùa thu, tháng 7, vua (Lý Thái Tổ) dời đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là thành Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở bến ngự, vì thế đổi tên là thành Thăng Long”...

Đọc bài báo nói về cây cảnh long giáng (chứ không phải giáng long) ở Hà Nội. Coi ra, tạo được cây kiểng thế như vậy là cả một quá trình công phu cắt tỉa, uốn nắn. Bonsai thế thăng long thì chậu phải đặt trên cao làm đầu rồng, ngọn chúc xuống đất làm đuôi rồng, thân phải cuốn lượn một cách uyển chuyển. Tôi đã xem chậu kiểng được coi là thế giáng long ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An. Đó là cây keo cổ thụ, ngọn hướng lên trời, gốc chúi xuống chậu. Cũng có dáng hơi giống con rồng nhưng thân cây quá thẳng, làm mất vẻ sống động. Rồng từ trời bay xuống, lưng phải như sóng lượn mới sinh động.

Rồng tượng trưng cho sức mạnh vô địch. Rồng còn nói lên sự cường thịnh của một triều đại, một đất nước. Ngày nay, các nước và vùng lãnh thổ phát triển nhanh, mạnh như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... thì gọi là “con Rồng”. Việt Nam cũng đang trên đà hóa Rồng - một khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc. 

Khi rồng “làm vua”

Thời phong kiến, rồng là biểu tượng của vua. Những gì của vua cũng có rồng. Ví như thân vua: Long thể; mặt vua: Long diện; giường vua: Long sàn; triện vua: Long ấn; áo vua: Long bào;... Cũng thời phong kiến, cho rằng, hễ hài cốt ai chôn trúng long mạch thì con cháu sẽ phát “chân mạng đế vương”. Do vậy, truyền thuyết xưa có chuyện người Tàu hay sang nước ta tìm long mạch rồi dùng tà thuật “ếm”, “triệt” để không thể có “chân mạng đế vương”.

Ở tỉnh Bình Định có chuyện thầy địa Tàu cắp cái la bàn, tìm tới dãy Hoành Sơn trên vùng Tây Sơn núi non trùng điệp. Nguyễn Nhạc đang buôn trầu trên nguồn sông Côn, để ý theo dõi. Một hôm, Nguyễn Nhạc thấy thầy địa Tàu dùng thuật phong thủy tìm kiếm, rồi đào đất để chôn bộ hài cốt của người cha đặt trong cái tráp từ Tàu mang sang. Hốt nhiên một con cọp to bất ngờ vồ lấy thầy địa Tàu, khiến thầy co giò chạy mất tráp. Ngay lúc đó, Nguyễn Nhạc cởi lốt cọp giả quàng lên cổ, cắp cái tráp của thầy địa Tàu về nhà rồi đóng cái tráp giống y như vậy, đoạn hốt cốt cha là Hồ Phi Phúc vào tráp, đem thế chỗ tráp của thầy địa Tàu, rồi vứt cái tráp của thầy địa Tàu xuống hố sâu.

Chừng nửa tháng sau, thầy địa Tàu mò tới, thấy tráp của Nhạc mà đinh ninh tráp của mình, mừng lắm, bèn đào xuống long huyệt, đặt tráp chôn xong, rời đi về Tàu để chờ phát “chân mạng đế vương” đặng sang làm vua nước Nam. Có ngờ đâu, đó là hài cốt của cụ Hồ Phi Phúc, khiến ba anh em nhà Tây Sơn cùng phát tướng. Nguyễn Huệ thân vụt cao lớn, tiếng nói như chuông gióng, mắt sáng như sao.

Ba anh em Tây Sơn cùng chiêu binh mãi mã, dựng cờ khởi nghĩa, quét sạch bọn Trịnh - Nguyễn phân tranh gần 200 năm gây bao tóc tang đau khổ cho dân, lập nên nhà Tây Sơn lừng lẫy. Sau đó, chỉ một trận Đống Đa, Ngọc Hồi vào rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Tổng chỉ huy Nguyễn Huệ đã quét sạch 5 vạn quân Mãn Thanh, khiến tổng chỉ huy quân Tàu Tôn Sĩ Nghị chưa kịp mặc áo giáp, chưa kịp đóng yên ngựa đã rạp mình chạy về./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết